Báo cáo PCI năm nay cho thấy nhìn chung là chi phí không chính thức có được cắt giảm, thủ tục hành chính, hạ tầng đều được cải thiện... nhưng tỷ lệ doanh nghiệp khó khăn vẫn nhiều, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ.
Đó là thông tin được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chia sẻ trước thềm lễ công bố chỉ số này vào sáng 28/3 tại Hà Nội.
Lần thứ 14 liên tiếp được công bố, báo cáo PCI 2018 được Ban tổ chức nhấn mạnh là tập hợp tiếng nói của đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Không chỉ công bố bảng xếp hạng về chất lượng điều hành các tỉnh trong năm 2018, cuộc khảo sát có sự tham gia của gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh trong nước, 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp góc nhìn đa dạng về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Báo cáo PCI 2018 cũng phân tích về ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam trước những biến động lớn của thương mại quốc tế, dành một chương riêng phân tích về thực trạng và lý giải nguyên nhân khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa tham gia được sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Với những thông tin ở đầu bài viết này, ông Tuấn khái quát, tỷ lệ doanh nghiệp, đóng cửa, giảm hoạt động có xu hướng tăng.
Một trong những yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hội nhập sâu được vào chuỗi giá trị toàn cầu là hệ thống giải quyết tranh chấp hợp đồng yếu kém, hệ thống tư pháp chưa tin cậy... là một phát hiện chính của một chương trong báo cáo, vẫn theo ông Đậu Anh Tuấn.
Bảng xếp hạng, như thường lệ vẫn sẽ được giữ bí mật đến phút chót, song theo quan sát của một số chuyên gia thì khó có bất ngờ lớn.
PCI 2017 lần đầu tiên Quảng Ninh giành ngôi quán quân, Đà Nẵng từ số 1 "rơi" xuống thứ 2 và Đồng Tháp tiếp tục ở vị trí thứ 3.
Post a Comment