Sáng 28/3 cả Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đều lên Hà Nội dự lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Đây cũng là tỉnh duy nhất cả hai lãnh đạo cao nhất cùng có mặt tại sự kiện này.

Nhiều tỉnh khác cũng có lãnh đạo chủ chốt tham dự, nhưng chỉ hoặc là chủ tịch, hoặc phó chủ tịch UBND hay lãnh đạo hội đồng nhân dân tỉnh.

Nhưng sự đặc biệt này cũng không phải lần đầu, tháng 3/2018 cả hai vị lãnh đạo cao nhất của Quảng Ninh đã cùng lên nhận kỷ niệm chương khi tỉnh này lần đầu tiên giành ngôi vị quán quân trong xếp hạng PCI 2017.

Trình bày kết quả điều tra PCI năm 2018, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI hơn một lần nhấn mạnh rằng rất ngạc nhiên, rất ấn tượng trước những đổi thay, những sáng kiến của Quảng Ninh.

Theo kết quả điều tra PCI, trong năm vừa qua, sức nóng cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục được Quảng Ninh duy trì qua nhiều nỗ lực, chẳng hạn như thực hiện phương thức bốn tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) khi giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố. Đồng thời kết hợp với việc thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở ngành, huyện thị và triển khai đối thoại doanh nghiệp thường xuyên qua mô hình cà phê doanh nhân nhằm giải quyết kịp thời vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Năm vừa qua, có tới 80% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI tại Quảng Ninh cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định và 74% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản (cao nhất cả nước).

Một lĩnh vực thường khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khó hài lòng như thủ tục hành chính đất đai, thì có 65% doanh nghiệp của Quảng Ninh từng thực hiện thủ tục hành chính đất đai trong vòng hai năm qua tại đây không gặp khó khăn. Quảng Ninh cũng đứng đầu cả nước về chỉ tiêu này.

Môi trường kinh doanh của Quảng Ninh đang thay đổi theo hướng minh bạch hơn, chỉ 53% doanh nghiệp cho biết cần có "mối quan hệ" để có được các tài liệu của tỉnh, là con số thấp nhất so với các tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước.

Phát biểu sau khi nhận kỷ niệm chương cho ngôi vị quán quân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong sự phát triển của tỉnh.

2018 Quảng Ninh đã thu hút được hơn 70 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư từ doanh nghiệp, ông Long cho biết.

Đồng Tháp giản dị, gần gũi

Một cái tên nữa cũng được giám đốc dự án PCI nhấn mạnh là Đồng Tháp, tỉnh đứng thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2018.

Năm nay, tỉnh này tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình, khi đạt 70,19 điểm và xác lập kỷ lục năm thứ 11 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước.

Thành công này đến từ sự vận hành hiệu quả của bộ máy chính quyền địa phương vốn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Điều tra PCI nói rằng, Đồng Tháp đang nỗ lực xây dựng thương hiệu địa phương theo ý tưởng giản dị, gần gũi của Bí thư tỉnh uỷ Lê Minh Hoan: "thương hiệu (Đồng Tháp) là cái hiệu để người ta thương, mỗi khi nhớ đến, nhắc đến đều gợi cho mọi người nghĩ về những ấn tượng tốt đẹp".

Người đứng đầu hệ thống chính trị và chính quyền Đồng Tháp coi nhiệm vụ cần thiết của chính quyền là tạo niềm tin vào tương lai cho khách hàng là người dân và doanh nghiệp bằng sự minh bạch, thân thiện, trung thực và sáng tạo trong cung cấp dịch vụ công. Nhóm nghiên cứu nhận xét rằng dường như mục tiêu đó đã lan toả tới nhận thức và hành động của cán bộ các cấp chính quyền và được cộng đồng doanh nghiệp địa phương cảm nhận rõ.

Năm 2018 có tới 92% doanh nghiệp tham gia điều tra PCI tại Đồng Tháp đánh giá cán bộ có thái độ thân thiện trong quá trình giải quyết công việc, 90% nhận thấy cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả, hai chỉ tiêu này của Đồng Tháp cao nhất cả nước.

Có lẽ cũng vì vậy mà các doanh nghiệp dân doanh Đồng Tháp cho biết đang được hoạt động trong môi trường kinh doanh bình đẳng nhất so với các tỉnh thành phố khác, đo lường bởi chỉ số thành phần cạnh tranh bình đẳng trong PCI 2018.

Hà Nội vượt qua ám ảnh

Không được vào tốp 5 mà chỉ lọt vào tốp 10 (xếp thứ 9), song Hà Nội lại được cả Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Giám đốc dự án PCI Đậu Anh Tuấn nhắc đến với sự nhấn mạnh đặc biệt.

Ông Lộc bình luận, "đây là thứ hạng cao nhất mà Hà Nội có được từ trước đến nay, đã đưa Hà Nội vượt khỏi nỗi ám ảnh "Hà Nội không vội được đâu" để tiến lên phía trước, là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế của cả nước và hướng tới một tầm nhìn trở thành một thành phố có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN trong thời gian tới".

Còn ông Tuấn thì so sánh, đây là lần đầu tiên Hà Nội vượt qua Tp.HCM trong bảng xếp hạng (2018 Tp.HCM xếp thứ 10).

Báo cáo PCI cho biết, Hà Nội đã có bước chuyển rõ rệt về chất lượng của bộ phận một cửa trong đăng ký doanh nghiệp. Có 71% doanh nghiệp tại Hà Nội đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn (năm 2017 là 57%); 86% cho biết cán bộ nhiệt tình, thân thiện (năm 2017 là 53%). Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ trên 3 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động đã giảm mạnh từ 17% của năm trước đó xuống còn 5% trong năm vừa qua.

2018 là năm Hà Nội đẩy mạnh đối thoại doanh nghiệp ở cấp huyện, thị, do vậy những vướng măc, bức xúc của doanh nghiệp đã có kênh giải toả khá hiệu quả. Kết quả điều tra PCI cũng phản ánh phần nào đánh giá của doanh nghệp về vấn đề này.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết trong 6 năm xếp hạng PCI của Thủ đô đã tăng 41 bậc từ vị trí 51 của 2012 lên vị trí thứ 9 năm 2018.

Đây là cả hành trình dài bền bỉ kiên định với nhiều cung bậc cảm xúc. PCI từ kênh thông tin tham khảo hữu ích đã trở thành chỉ số được giao nhiệm vụ, mục tiêu rõ ràng, cải thiện chỉ số này đã trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của thành phố, ông Toản nói.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top