Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chính thức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Ban chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp làm Phó trưởng ban, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp) là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo.

Ngoài 11 bộ, ngành trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch còn có sự tham gia của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc; phối hợp với các bộ, ban ngành đoàn thể nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đồng thời, tổ chức thực hiện và đôn đốc kiểm tra các bộ, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y, dịch bệnh đã xảy ra tại 447 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 64.879 con. Giai đoạn đầu, bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt, tuy nhiên đến nay đã lây lan vào trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn.

Cụ thể, tại Hưng Yên, dịch bệnh xuất hiện tại trang trại 4.500 con lợn trên địa bàn xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu.

Theo Cục Thú y, tình trạng người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng thức ăn dư thừa, không qua xử lý nhiệt là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan, bùng phát. Đây cũng là điểm chung của các ổ dịch xảy ra tại các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên và thành phố Hà Nội.

Để kiểm dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Cục Thú y cho biết, cần tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn qua địa phương. Thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch vận chuyển; vệ sinh và phun thuốc sát trùng các phương tiện vận chuyển và người tham gia vận chuyển; tổ chức lấy mẫu đối với các trường hợp lợn nghi bị bệnh, sản phẩm lợn nghi mang mầm bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý tiêu hủy triệt để tránh làm lây lan dịch bệnh. 

Bố trí đầy đủ lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn vận chuyển qua địa bàn tỉnh, nhất là các tỉnh, thành phố có đường giao thông vận chuyển từ phía Bắc vào phía Nam.

Ngoài ra, cần tạm dừng vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ các vùng có dịch ra khỏi địa bàn (vùng có dịch) trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con lợn cuối cùng mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi được tiêu hủy trên địa bàn. 

Cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc đã tham gia chương trình giám sát, lấy mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính các bệnh (bao gồm cả bệnh dịch tả lợn châu Phi), lợn không có triệu chứng của bệnh dịch tả lợn châu Phi trong vòng 30 ngày trước thời điểm vận chuyển, được phép vận chuyển ra khỏi vùng có dịch theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, dù đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhưng dịch bệnh này vẫn có diễn biến rất phức tạp và đang lan nhanh. Cho nên, việc thành lập Ban chỉ đạo là rất cần thiết.

Ông Cường cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương và các đơn vị phải cùng nhau phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đặc biệt là tuyên truyền đến người dân không hoang mang, quay lưng với thịt lợn.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top