Báo cáo cập nhật về kết quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ khẳng định, có sự chuyển biến khá rõ nét, thực chất hơn trong thực hiện. Kinh tế các vùng chuyển dịch tích cực, mang đến sự tăng trưởng vượt trội cho 32 địa phương.
Với việc triển khai mạnh mẽ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, kinh tế các vùng chuyển dịch tích cực trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh từng vùng. Các cực tăng trưởng, các vùng lãnh thổ mang tính động lực tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu và tạo tác động phát triển lan tỏa.
Theo đó, năm 2018, có 32 địa phương đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung của cả nước, trong đó ghi nhận sự đóng góp lớn từ một số địa phương như Hà Tĩnh (với sự đóng góp của Tập đoàn Formosa); Thanh Hóa (Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất từ giữa năm); Hải Phòng (Tập đoàn LG); Thái Nguyên, Bắc Ninh (Tập đoàn Samsung); Quảng Nam (Công ty cổ phần ô tô Trường Hải);...
Cơ cấu ngành chuyển biến tích cực
Trong cơ cấu lại các ngành của nền kinh tế, Chính phủ đánh giá, nội bộ từng ngành có sự chuyển biến, thực chất và đúng hướng hơn. Chẳng hạn, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng trong GDP giảm dần phù hợp với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào ngành khai khoáng và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hơn; tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần, tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ, động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành và đóng góp tích cực vào mức tăng chung của nền kinh tế.
Năm 2018, tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khá cao (12,98%), tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn so với mức tăng các năm 2012-2016, góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 8,79% và toàn khu vực công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 8,85%.
Trong khu vực dịch vụ, cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển đa dạng các sản phẩm, nhất là sản phẩm có năng lực cạnh tranh. Các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, logistics, hàng không, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử... được tập trung phát triển.
Thương mại nội địa tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở mức 2 con số, cả năm 2018 đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, qua đó cùng với hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng để góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung. Năm 2018, tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,03%, tuy thấp hơn mức tăng 7,44% của năm 2017 nhưng cao hơn so với các năm 2012-2016.
Tín dụng được sử dụng hiệu quả
Cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm là cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và cơ cấu lại ngân sách nhà nước đã có bước chuyển biến, đặc biệt là cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tín dụng đã dần tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.Từ năm 2016, tăng trưởng tín dụng giảm dần nhưng tăng trưởng kinh tế được cải thiện vững chắc cho thấy tín dụng được sử dụng hiệu quả và được phân bổ phù hợp hơn.
Cơ cấu tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế; tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có tốc độ tăng trưởng khá; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro có xu hướng chậm lại. Công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện, kiểm soát, xử lý và duy trì nợ xấu ở mức dưới 3%. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước chuyển biến tích cực.
Cơ cấu thu chuyển dịch theo hướng thu nội địa tăng, tỷ lệ động viên so GDP đạt khoảng 25,7%, trong đó thuế, phí đạt 21,1%. Cơ cấu chi ngân sách nhà nước bước đầu có chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên (năm 2018 còn dưới 62%, năm 2017 khoảng 62,4%) và tăng dần tỷ lệ chi đầu tư phát triển (năm 2018 đạt 28,8%, năm 2017 khoảng 25%) trong khi vẫn thực hiện tăng lương cơ sở theo lộ trình.
Nông nghiệp đang là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình tái cơ cấu kinh tế. Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại cây có giá trị thấp sang loại cây có giá trị cao hoặc nuôi trồng thủy sản, gắn với cơ cấu lại sản xuất theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, tiếp cận nhu cầu thị trường mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn khu vực năm 2018 đạt khoảng 3,76% cao nhất kể từ năm 2012, trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012-2018.
Post a Comment