Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019, tổ chức ngày 11/6 tại Hà Nội.

Hội nghị kết nối trực tuyến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố và gần 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã nhằm cập nhật hướng dẫn về các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật cụ thể cho các tuyến tỉnh, huyện, xã.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tiếp tục ghi nhận số mắc cao, gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Cùng với đó, bệnh sởi vẫn ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Madagascar, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều quốc gia trước đây đã công bố loại trừ bệnh sởi.

Riêng tại Việt Nam, báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, dù các bệnh dịch lưu hành trong nước được khống chế và kiểm soát như: bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi đang có xu hướng giảm trong nhiều tuần qua, nhưng số mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tăng cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, số mắc sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố.

Trước những thực tế đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cần phải truyền thông chủ động phòng chống dịch trước rồi mới đến chữa bệnh, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh mùa hè cũng như khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh.

"Về điều trị, các bệnh viện phải sàng lọc phân loại bệnh, tránh chẩn đoán nhầm lẫn hoặc bỏ sót ca bệnh nặng. Đồng thời sàng lọc phân loại, phân luồng, phân tuyến, cách ly trong điều trị để giảm quá tải và lây nhiễm chéo cho người bệnh, không để quá tải gây hoang mang dư luận", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, viêm não nhận bản, Bộ trưởng lưu ý người dân cần thiết phải tiêm vắc xin phòng bệnh, không để dịch bệnh bùng phát. Đồng thời, các đơn vị tiêm chủng thực hiện nghiêm túc, an toàn tiêm chủng, sàng lọc thật kỹ tiền sử của trẻ và khi có tai biến xảy ra thì cần xử lý kịp thời.

Với tình trạng dịch bệnh mùa hè diễn diễn phức tạp, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Trong đó, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, Bộ khuyến cáo người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Khi bị sốt, xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chứ không tự ý điều trị tại nhà.

Đối với việc tiêm chủng phòng bệnh và an toàn tiêm chủng, Bộ cũng khuyến cáo các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc. Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.

Khi trẻ có biểu biện bất thường về sức khỏe như sốt cao từ 39 độ trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả...phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top