Trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chiều ngày 5/6, nhiều đại biểu quốc hội đặt câu hỏi liên quan vấn đề quản lý việc thu, chi tiền công đức tại các đền, chùa khu du lịch tâm linh, danh lam thắng hiện nay. 

"Báo cáo của Bộ trưởng đã đánh giá việc thu, chi tiền công đức công khai, minh bạch, xin Bộ trưởng cho biết tính chính xác của nhận định trên? Tổng thu, chi tiền công đức mỗi năm bao nhiêu? Sử dụng mục đích gì? Bộ trưởng có chủ trương thanh tra, kiểm soát nguồn thu, chi cho hoạt động lễ hội, tín ngưỡng mang tính xã hội hóa đang thực hiện hiện nay hay không?", đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) đặt câu hỏi. 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Thiện cho biết hiện nay chưa có một văn bản pháp quy nào điều chỉnh tiền công đức, quy định tiền công đức sẽ thu như thế nào và chi như thế nào.

Hiện nay, chỉ có một văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Bộ Nội vụ có hướng dẫn về việc sử dụng tiền công đức nhưng ở đây, chỉ có nói tại Thông tư liên tịch 04 năm 2014, có hướng dẫn là tiền tài sản được dâng cúng công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai. 

"Vừa rồi, Chính phủ có ban hành Nghị định 110 liên quan đến quản lý và tổ chức lễ hội, trong nghị định đó có một điểm là giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn vấn đề thu, chi. Do nghị định vừa mới ban hành cuối năm 2018, chúng tôi cũng biết rằng, Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng văn bản theo hướng dẫn. Đối với tiền công đức, báo cáo với Quốc hội, hiện nay quản lý là như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nói rồi, liên quan đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng mà có di tích, việc quản lý có vai trò của Bộ Văn hóa", Bộ trưởng Thiện cho biết. 

Theo Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014, một số nội dung liên quan đến tiền công đức có nêu: "Tiền, tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch." 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố kiện toàn bộ máy quản lý di tích để đảm bảo dù di tích thuộc bất kỳ hình thức sở hữu nào đều phải có chính quyền, người am hiểu di tích tham gia quản lý di tích, qua đó phần nào góp phần để di tích được tu bổ, trông nom bằng nguồn thu được từ công đức.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top