Quốc hội đã đồng ý cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, vậy chế tài xử phạt thế nào, khi mà Luật Phòng chống tác hại rượu bia không quy định chế tài này?
Đó là một trong nhiều câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, chiều 14/6.
Trả lời câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia) Bùi Sỹ Lợi cho biết, tại nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, cần tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông.
Chắc chắn khi sửa nghị định sẽ nâng mức xử phạt, ông Lợi khẳng định.
Một câu hỏi khác liên quan đến việc khi xin ý kiến thì phương án cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn không được 50% đại biểu tán thành, nhưng phút cuối Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn "tha thiết đề nghị Quốc hội" cho bổ sung vào luật. Trong khi nhiều vấn đề tại các thảo luật khác cũng được đưa ra xin ý kiến nhưng nếu không được 50% đại biểu đồng tình thì sẽ không được đưa vào dự thảo trình Quốc hội thông qua.
Vậy phải chăng cứ vấn đề gì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội "tha thiết đề nghị" thì dù kết quả xin ý kiến thế nào cũng vẫn được trình Quốc hội thông qua?
Nhận thức là cả quá trình, không ai áp đặt đại biểu, ban đầu có thể đại biểu hiểu chưa rõ, sau trao đổi lại thì rõ hơn nên biểu quyết về các hành vi bị cấm được hơn 72% đại biểu đồng tình, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời.
Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, câu hỏi tại cuộc họp báo còn xoay quanh hoạt động giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Báo cáo giải trình trước khi Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết sau giám sát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số địa phương phản ánh có hiện tượng người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài, tuy nhiên, đoàn giám sát chưa có thông tin chính thức về vấn đề này.
Trong khi đó, trả lời ý kiến cử tri, Bộ Công an khẳng định có tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển, biên giới đất liền; thâu tóm các vị trí đất đẹp, trung tâm.
Vậy đoàn giám sát có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp thông tin chính thức về vấn đề này hay không?
Hồi âm câu hỏi này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói chưa đủ thông tin để xác định vấn đề người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài đến đâu và mức độ nào, nhưng không phải không xem xét mà sẽ xem xét.
Ông Phúc cho biết, Quốc hội đã giao yêu cầu Chính phủ, rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.
Post a Comment