Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không đồng ý việc ban hành một nghị quyết ảnh hưởng đến 93 luật có liên quan đến quy hoạch.
Đó là thông tin được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, sau khi Uỷ ban này đã có báo cáo thẩm tra chính thức về nội dung trên.
Như VnEconomy đã thông tin, chiều 3/6 vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phải họp một phiên bất thường để thẩm tra dự thảo "Nghị quyết thi hành luật Quy hoạch; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch", liên quan đến tổng cộng 93 luật.
Tại cuộc họp đó ông Vũ Hồng Thanh cho biết, chiều 4/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp về vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý ban hành nghị quyết này, vì nghị quyết có phạm vi ảnh hưởng quá lớn mà chưa được đánh giá tác động đầy đủ, có khả năng sẽ "dựng lại" hàng loạt quy hoạch "đã chết".
Ông Thanh cũng cho biết ngày 5/6 Chính phủ giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mời các bộ, ngành đến, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế cũng sang cùng làm việc để tìm một giải pháp mới xử lý các vướng mắc.
"Rõ ràng là ách tắc rồi, nhưng phải tìm cách nào đấy để không làm "sống lại" tràn lan tất cả các quy hoạch đã vô hiệu, sẽ càng thêm rối", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.
Tại báo cáo thẩm tra gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai luật Quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan.
Theo tờ trình của Chính phủ, nghị quyết sẽ cho phép kéo dài thời hạn áp dụng của 44 luật để điều chỉnh và thực hiện các quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 1/1/2019, trừ các quy định có liên quan đến dịch vụ sản phẩm, hàng hóa…
Ủy ban Kinh tế cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết chỉ nên giới hạn đối với các quy hoạch cá biệt cần điều chỉnh để xử lý các vấn đề cần thiết cấp bách.
Báo cáo thẩm tra cũng nói rõ, về thời hạn gửi hồ sơ, khoản 2 điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội phải gửi đến cơ quan thẩm tra chậm nhất là trước 30 ngày khai mạc kỳ họp. Tuy nhiên, đến ngày 31/5/2019, Ủy ban Kinh tế mới nhận được Hồ sơ dự thảo nghị quyết, chậm 40 ngày so với quy định.
Tại phiên họp thẩm tra, nhiều ý kiến tại Uỷ ban Kinh tế cũng nhấn mạnh trong thời gian vừa qua, rõ ràng Chính phủ thực hiện chậm việc ban hành các văn bản hướng dẫn luật.
"Chính phủ đã có nghị quyết giao các bộ, ngành tổ chức triển khai thực hiện luật, (nhưng các bộ, ngành) không tổ chức triển khai gì cả. Đến mãi ngày 7/5/2019 mới ban hành nghị định hướng dẫn, chậm 14 tháng; danh mục quy hoạch để tích hợp vào hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cũng chưa có. Bây giờ cho kéo dài, cho chuyển tiếp thì kể cả các quy hoạch dừng thực hiện rồi cũng sẽ "sống" lại, tức là có hai hệ thống pháp luật về quy hoạch song song tồn tại, Chủ nhiệm Thanh nhấn mạnh.
Việc tồn tại song song hai hệ thống luật có quy định khác nhau nhưng cùng điều chỉnh một nội dung sẽ khiến cho việc lập quy hoạch nói riêng và hoạt động quản lý nhà nước sẽ rất khó khăn, thiếu sự thống nhất và chồng chéo, làm phức tạp quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được, theo cơ quan thẩm tra.
Về giải pháp tháo gỡ, theo ông Thanh, cả các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đang tìm cách gom lại những vấn đề gì thực sự bức xúc, thực sự cần thiết.
Ngoài ra, Uỷ ban Kinh tế vẫn đề nghị quyết liệt đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch, và kiến nghị xử lý trách nhiệm của những người làm chậm trễ việc này.
Post a Comment