Đại biểu rất sốt ruột vì Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm trung chuyển ma tuý quốc tế, Bộ trưởng nhận định nguồn cung ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam chưa được ngăn chặn.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sáng 4/6 tại Quốc hội, nhiều đại biểu tỏ ra hết sức sốt ruột trước tình trạng buôn bán ma tuý tại Việt Nam.

Nêu các vụ việc nhiều vụ ma tuý bắt tới tấn, tạ, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) chất vấn, Việt Nam hiện là địa bàn trung chuyển ma tuý đi các nước, có việc đó liệu có phải do hoạt động đấu tranh của ngành công an chưa tương xứng, chưa mạnh mẽ như các nước?

Trả lời chất vấn này và một số câu hỏi khác cùng chủ đề, Bộ trưởng Tô Lâm nêu một số giải pháp và khẳng định: "với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn ma túy, không để Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy của thế giới".

Cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng chưa rõ nguyên nhân, giải pháp phòng ngừa đại biểu Nguyễn Văn Hiển dùng quyền tranh luận. Theo đại biểu Hiển thì tình trạng ma tuý dồn về Việt Nam có nguyên nhân tương đối rõ là các nước xung quanh họ xử lý rất mạnh.

Khẳng định ngành công an đã dự báo được việc chuyển hướng của tội phạm ma tuý nên mới đón bắt được nhiều vụ với số lượng lớn chưa từng có, song Bộ trưởng cũng nhận định nguy cơ Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển vẫn đang hiện hữu. Dù đã xử lý hàng tấn nhưng nguồn cung từ nước ngoài chưa được ngăn chặn, biểu hiện là giá ma tuý trong nước chưa tăng cao lên.

Cũng liên quan đến đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý, tại báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng nhận định, hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng, các đường dây chủ yếu do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng tại Mianma, Lào, Thái Lan, Philippines và các đối tượng trong nước đưa ma túy từ khu vực "Tam giác vàng" qua Lào, Thái Lan vào Việt Nam để đi nước thứ 3 tiêu thụ.

Thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng vỏ bọc là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng hàng hóa ở Việt Nam để ngụy trang việc tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy; lợi dụng việc tạm nhập, tái xuất hàng hóa để vận chuyển ma túy. Đáng lưu ý, phát hiện việc vận chuyển Côcain từ khu vực Nam Mỹ qua Việt Nam để đi nước thứ 3.

Báo cáo cũng cho biết, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào trong nước tiêu thụ diễn ra phức tạp trên nhiều tuyến, địa bàn, trọng điểm là tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, các địa bàn Tp.HCM, Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An...

Thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn, gắn liền với tàng trữ vũ khí nóng sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Đáng lưu ý, từ đầu năm 2019 đến nay phát hiện, bắt giữ 2 vụ vận chuyển ma túy qua đường bưu điện vào Việt Nam.

Nhận định của Bộ trưởng là mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng, ma túy tổng hợp đang dần thay thế heroin trở thành loại ma túy được sử dụng chính trong nước. Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, nhà hàng, karaoke diễn ra phức tạp.

Xuất hiện nhiều loại ma túy mới, dạng mới của ma túy thu hút giới trẻ sử dụng, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp gây ảo giác (ngáo đá) không kiểm soát được nhận thức, hành vi, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây lo lắng cho nhân dân.

Phần giải pháp, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức và nội dung hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy với các nước trên thế giới và khu vực, nhất là với các nước láng giềng Lào, Trung Quốc và Campuchia. Tham gia tích cực cùng các nước Tiểu vùng sông Mê kông bao vây, ngăn chặn ma túy từ khu vực Tam giác vàng, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top