Chỉ có 1/448 vị tham gia biểu quyết không tán thành, chiều 11/6 Quốc hội đã phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.683.045 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.681.414 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018.
Bội chi ngân sách nhà nước là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 70.125 tỷ đồng, vay ngoài nước 66.838 tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 283.981 tỷ đồng.
Báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phản ánh ý kiến cho rằng, báo cáo quyết toán chưa nêu được tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa đánh giá nguyên nhân và giải pháp. Nhiều tồn tại, hạn chế năm 2016 đã nêu nhưng vẫn để lặp lại trong quyết toán năm 2017.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì tình trạng chi sai chế độ vẫn còn tồn tại, việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định,…
"Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc để lặp lại các hạn chế này trong nhiều năm thể hiện kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước còn bất cập. Đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để có những biện pháp quyết liệt hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước", Chủ nhiệm Hải trình bày.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 cần nhấn mạnh, báo cáo Quốc hội cụ thể các hạn chế, bất cập, nguyên nhân, biện pháp khắc phục, đặc biệt là đối với các hạn chế đã được nêu trong các báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước các năm 2016, 2017.
Trước đó, thẩm tra về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ ra rằng tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm, quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định chưa được khắc phục, có dự án tổng mức đầu tư tăng gấp 39 lần.
Và đây cũng không phải lần đầu tiên Chính phủ được đề nghị rút kinh nghiệm về chi ngân sách. Hầu như lần quyết toán nào đề nghị này cũng được nêu ra.
Tại nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, Quốc hội giao Chính phủ đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí và tham nhũng. Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và báo cáo Quốc hội danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ 2017 khi trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Post a Comment