Theo số liệu của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, tại Việt Nam hiện có khoảng 1.300 trang mạng hoạt động như báo điện tử, trong đó có khoảng 25 trang giả mạo các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cùng với đó là trên 14.000 trang cá nhân đưa tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền...

Đến cuối 2018, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Bên cạnh những tiện ích hữu dụng và thông tin tích cực, hàng ngày, người dùng Internet Việt Nam bị tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin giả, hình ảnh bạo lực, kích động được phát tán tự do trên mạng. Chỉ riêng năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện 250 trang mạng, blog, gần 500 tài khoản Facebook, 50 kênh Youtube có hành vi này.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an chia sẻ, hiện nay tin giả xuất hiện rất nhiều. Cách làm có thể là giả một phần, hoặc dựa vào những sự kiện có thật nhưng thêm bớt, chỉnh sửa, bình luận theo hướng xấu.

Ông Nguyễn Lương Việt, Giám đốc Lửa Việt Media phân tích, tin giả được "chế biến" giống như tin thật nhưng lại cuốn hút người tiếp cận, do đó thường có lượng đọc nhiều, xem nhiều. Điển hình như trên trang Youtube, nhan nhản các kênh sản xuất tin tức, có cả người dẫn chương trình, hình hiệu đầy đủ, cung cấp mọi thể loại tin tức trong ngày nhưng thông tin đưa ra không ai kiểm chứng, kiểm duyệt. Do đó đây chính là nơi dễ phát tán tin giả.

Về mục đích làm tin giả, theo ông Việt thì có nhiều, trong đó có cả mục đích nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tuyên truyền chống phá chính quyền. Tuy nhiên, phổ biến nhất là phục vụ mục đích bán hàng online, tăng sự tiếp cận của người dùng để kiếm lợi nhuận.

Cũng từ trang Youtube, có hàng nghìn clip nội dung được cắt ghép từ các bản tin của các đài truyền hình, nhiều nhất là của VTV nhưng che đi logo, rồi chèn thêm quảng cáo hoặc thêm vào những thông tin giả tạo sự chú ý của người xem.

Thậm chí, có đối tượng còn xây dựng những kênh để đưa những thông tin thật nhằm thu hút số lượng người xem. Sau một thời gian mới cho lồng ghép các thông tin giả để người xem không còn phân biệt được đâu thật, đâu giả nhằm đạt được mục đích của mình.

Tuy nhiên, để tin giả phát tán rộng một phần là do một bộ phận người dùng hiện nay chưa có ý thức trong việc thẩm định thông tin trên mạng xã hội nhưng đã vội vàng chia sẻ. Nhiều trang tin giả còn sử dụng các robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm lan truyền nhanh thông tin mình đưa ra.

Đầu tháng 3/2019, ông Trần Thanh Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phải lên tiếng về việc trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một trang giả mạo có tên "Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam". Trang này đã đưa bài "Cảnh giác với chiêu bài "bảo vệ nước mắm truyền thống" với những thông tin sai sự thật nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Ông Lâm khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương hiện không có bất kỳ trang Facebook nào để chia sẻ thông tin.

Tháng 4/2019, tại Đà Nẵng, "cò" đất đã tung tin thất thiệt lên Facebook là chuẩn bị có quận mới được thành lập từ huyện Hòa Vang để "thổi" giá đất lên cao.

Ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang đã lên tiếng khẳng định đây là tin đồn của một số đối tượng nhằm "thổi" giá đất. Cũng lúc đó, Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã có công văn đến các xã, phường nhằm chấn chỉnh thông tin thất thiệt và tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp. Trước đó, một số đối tượng "cò" đất đã tung tin thất thiệt tràn lan trên mạng xã hội là một số xã thuộc thị xã Điện Bàn sắp sáp nhập về Tp.Đà Nẵng.

Năm 2018, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ người tung tin đồn vỡ đập Hồ Núi Cốc. Khi tìm hiểu thì người này cho biết tung tin vỡ đập Hồ Núi Cốc chỉ "câu like" và cho vui...

Theo ông Nguyễn Lương Việt, kinh nghiệm chống tin giả tại nhiều quốc gia cho thấy phải có luật với những chế tài mạnh. Tại Singapore đã xây dựng dự Luật Chống nạn tin trực tuyến giả với phạt án tù giam lên tới 10 năm cho người tung tin giả. Các nền tảng mạng internet bao gồm các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter cũng sẽ được yêu cầu phải thực hiện chuyển đổi để hạn chế tình trạng phát tán những thông tin sai lệch bằng cách hiển thị các thông báo đính chính trên các nội dung đó, hoặc xóa bỏ chúng. Nếu không thực hiện điều này, các nhà cung cấp mạng xã hộ có thể chịu phạt tới 1 triệu Đôla Singapore.

Tại Malaysia, Luật Chống tin tức giả ban hành vào năm 2018, với mức hình phạt lên đến 6 năm tù. Còn ở Đức, các trang mạng xã hội này sẽ có thời hạn 24 giờ để xóa bỏ các nội dung bị cấm, nếu không sẽ bị phạt tới 50 triệu Euro.

Mạnh tay hơn là nước Nga, chính quyền có thể khóa các trang điện tử không đáp ứng các yêu cầu xóa bỏ những nội dung sai lệch và cá nhân có thể bị phạt hơn 8.000 USD vì phát tán và lan truyền tin giả trực tuyến vi phạm nghiêm trọng tới trật tự công cộng.

Ông Đỗ Anh Tuấn cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh mạng quốc gia. Bên cạnh đó là chú trọng nâng cao sự hiểu biết, kiến thức pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng cho mọi tầng lớp trong xã hội để người sử dụng mạng chủ động tìm hiểu, trang bị cho mình kiến thức pháp luật về an ninh mạng, hiểu rõ những thông tin được phép đăng tải, chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin và hành vi đăng tải thông tin của mình trên không gian mạng.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, cơ quan chủ quản các trang mạng xã hội có trách nhiệm xây dựng quy định và quy trình rõ ràng, hiệu quả để thông báo về thông tin sai sự thật trên các dịch vụ của mình, loại bỏ hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập khi phát hiện các sai phạm và phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng gỡ bỏ những thông tin vi phạm quy định...

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top