Năm 2020 Quốc hội tiến hành giám sát tối cao một chuyên đề duy nhất.

Sáng 10/6, với 446/447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm trên 92% so với tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thống nhất thông qua chương trình giám sát tối cao năm 2020.

Nội dung cuộc giám sát chuyên đề được chọn là về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đây cũng là chuyên đề duy nhất sẽ tiến hành giám sát tối cao trong năm sau.

Trước đó, phiên thảo luận, về số lượng chuyên đề giám sát, một số vị đại biểu đề nghị Quốc hội cần tiếp tục tiến hành giám sát tối cao theo chuyên đề tại 2 kỳ họp như thông lệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cùng với các lý do như đã nêu tại tờ trình số về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội (trong đó có lý do 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 - PV) năm 2020 cũng là thời gian phải triển khai việc hợp nhất các đơn vị cấp xã, phường, thôn, tổ dân phố theo nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 và nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Ngoài ra, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét các báo cáo và chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn.

Do đó, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của chương trình giám sát, đề nghị được giữ như đề xuất là chỉ giám sát tối cao một chuyên đề.

Báo cáo trước khi đại biểu bấm nút, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung vào chương trình giám sát của Quốc hội chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường giai đoạn 2015 – 2020".

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian vừa qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã thực hiện nhiều cuộc giám sát về lĩnh vực môi trường; tại kỳ họp thứ 2 và thứ 5, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đã ban hành nghị quyết, trong đó đề cập nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường dự kiến trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10. Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi luật, sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá tổng thể các mặt việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường. Do đó, xin không tổ chức giám sát chuyên đề nêu trên.

Phiên thảo luận tại hội trường còn có một số ý kiến đề nghị bổ sung giám sát nội dung về: việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành y tế; việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động báo chí; việc quản lý, sử dụng, chuyển đổi sở hữu công sản của nhà nước; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả của các cơ quan dân cử; vấn đề tăng giá điện; tình hình thực hiện Luật Giao dịch điện tử.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, các vấn đề nêu trên đều là những nội dung được quan tâm và cũng đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp trong số 183 đề xuất giám sát từ 77 cơ quan. Đa số đại biểu Quốc hội đã thống nhất chọn chuyên đề giám sát như trong tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nội dung cần giám sát mà đại biểu Quốc hội đề xuất sẽ được các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu tổ chức giám sát hoặc tổ chức các phiên giải trình. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top