Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) vừa cho biết, trong tháng 5/2019, hệ thống theo dõi, cảnh báo của VNCERT đã phát hiện 739 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam, trong đó đa số là sự cố tấn công thay đổi giao diện, chiếm hơn 57%.
Trong 739 sự cố tấn công mạng này, có 425 sự cố Deface (tấn công thay đổi giao diện), 289 sự cố Phishing (tấn công lừa đảo) và số sự cố Malware (phát tán mã độc) là 25.
Theo VNCERT, top 5 loại hình tấn công nhiều nhất trong tháng 5/2019 gồm: tấn công thu thập thông tin; vi phạm chính sách an toàn thông tin; tấn công leo thang đặc quyền; tấn công từ chối dịch vụ và tấn công liên quan đến mã độc.
Tháng qua, trung tâm này cũng thực hiện nhiều lượt cảnh báo, yêu cầu xử lý sự cố và hỗ trợ xử lý sự cố cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước, như phát hiện và gửi 28 email cảnh báo yêu cầu đơn vị xử lý sự cố còn tồn tại và hỗ trợ xử lý sự cố cho các đơn vị có yêu cầu; gửi công văn cảnh báo trực tiếp đến 3 đơn vị thuộc cơ quan nhà nước bị nhiễm mã độc deface.
Trong khi đó, một đơn vị khác của Bộ Thông tin và Truyền thông là Cục An toàn Thông tin. Cục này ghi nhận, tính đến ngày 20/5/2019 có 287 vụ Phishing - hình thức tấn công sử dụng website, email lừa đảo, mạo danh tổ chức hoặc công ty uy tín để lừa người dùng nhằm đánh cắp các thông tin nhạy cảm, như tên đăng nhập, mật khẩu hay thông tin về các loại thẻ tín dụng của người dùng.
Cục An toàn Thông tin nhận định số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma là 857.927 địa chỉ (giảm 37,57% so với tháng 4/2018).
Với số lượng địa chỉ nằm trong các mạng máy tính ma này, các máy tính kết nối với Internet bị xâm nhập bởi các hacker, virus, phần mềm trojan và bị hacker điều khiển từ xa, sử dụng vào những mục đích nguy hiểm khác nhau.
Post a Comment