Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, báo cáo phản ánh về tình trạng bến nhiều hơn cảng, chưa có hạ tầng chuẩn, nhất là không có hạ tầng kết nối nên không khai thác hết được tiềm năng.
Văn phòng Chính phủ cho biết, báo chí mới đây dẫn khuyến nghị của các chuyên gia, Việt Nam cần xác định đúng chức năng của vùng kinh tế trọng điểm để phát triển hệ thống cảng biển tương ứng. Nếu chỉ phát triển cảng theo định hướng chung chung sẽ rơi vào tình trạng "thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu" gây lãng phí nguồn lực.
Thực tế mới chỉ có một số ít cảng được đầu tư đúng nghĩa, còn lại mang tính chất bến nhiều hơn cảng, chưa có hạ tầng chuẩn, nhất là không có hạ tầng kết nối nên không khai thác được hết tiềm năng.
Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, với hệ thống gồm 45 cảng biển, một số cảng cạn (IDC) và trung tâm logistics, hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam thông quan đến 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu…
Tuy nhiên, thực tế là trong số các cảng biển này, mới chỉ có một số ít được đầu tư đúng nghĩa, phần còn lại mang tính chất bến nhiều hơn cảng, chưa có hạ tầng đạt chuẩn, đặc biệt là không có hạ tầng kết nối dẫn đến không khai thác được hết tiềm năng.
Mặc dù các vùng kinh tế trọng điểm đều nằm dọc biển, tuy nhiên, chúng ta chưa xác định được chức năng của mỗi vùng kinh tế trọng điểm để phát triển hệ thống cảng biển phù hợp. Những khu vực như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Tp.HCM…, có hậu phương công nghiệp tốt nên cảng hoạt động rất sầm uất.
Trong khi đó, một số vùng khác có điều kiện tự nhiên để phát triển cảng biển nhưng hậu phương công nghiệp rất mỏng. Tại miền Trung, có những địa phương hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là dăm gỗ, việc phát triển cảng biển hàng hóa gây lãng phí công suất, khi có những cảng biển chỉ khai thác 20%-30% công suất. Cũng miền Trung, cảng hàng hóa không phát huy được nhưng cảng biển phục vụ tàu du lịch lại chưa có.
Trước thông tin trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và có ý kiến, báo cáo Thủ tướng.
Post a Comment