Thời gian qua, mặc dù Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8000 video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên Youtube còn rất nhiều bất cập, cứ gỡ được 1 clip thì lại có nhiều clip khác mọc lên, nên việc ngăn chặn gỡ bỏ vẫn như "cóc bỏ đĩa".

Chiều 7/6/2019, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiếp tục công bố tới báo chí các hành vi sai phạm trên nền tảng Youtube, Google.

Clip xấu độc có chiều hướng gia tăng

Theo thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, trong 2 năm qua, Google đã hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông rất tích cực trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Bộ, gỡ khoảng 8.000 clip. Tỷ lệ đáp ứng của Goolge lên hơn 90%, còn 6 tháng đầu năm nay lên tới 95%.

Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và theo rà soát của Bộ có chiều hướng gia tăng. Cụ thể trên Youtube hiện nay có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật – một con số theo ông Tự Do là rất lớn, gấp rất nhiều lần số clip đã được gỡ bỏ.

Ngoài ra, theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, tình trạng tái diễn quảng cáo của các thương hiệu nhãn hàng uy tín được gắn vào các clip phản động chống phá Nhà nước. Theo đó, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông thông đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google, trong đó có sản phẩm, dịch vụ của công ty.

Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Goolge chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình chung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.

"Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp. Việc tái diễn tình trạng này cho thấy các biện pháp khắc phục của Google không giải quyết được triệt để những vi phạm này, gây rủi ro các thương hiệu khi quảng cáo trên YouTube", lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh.

Cục này cho biết, quá trình theo dõi, rà soát cho thấy, các sai phạm này đến từ nhiều chủ thể tham gia hoạt động trên Youtube gồm: Youtube, Google; các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam; những người mua quảng cáo trên nền tảng Youtube, Google (bao gồm các nhãn hàng, thương hiệu); những nhà sáng tạo nội dung trên Youtube(content creator); và các công ty đối tác quản lý đa kênh của Google tại Việt Nam (MCN).

Cơ chế quản lý nội dung trên Youtube lỏng lẻo, nhiều bất cập

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, cơ chế quản lý nội dung lỏng lẻo do bộ lọc của Youtube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm. Ngoài ra, cơ chế kiểm duyệt của Youtube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian.

Đặc biệt Youtube cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Youtube vẫn cho phép bật tính năng suggest cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên Youtube nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ.

Đối với Google Adsense, mặc dù mang lại lợi nhuận nhưng do Google không kiểm soát được chặt chẽ về nội dung quảng cáo và vị trí hiển thị quảng cáo nên đã xuất hiện hiện tượng một số quảng cáo có nội dung phản cảm, dung tục, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ không phép.

Vi phạm của các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam là không chủ động kiểm soát việc đăng phát quảng cáo của các đối tác (nhãn hàng, thương hiệu) trên nền tảng Youtube khiến tình trạng quảng cáo bị gắn vào các clip xấu độc tái diễn trở lại.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho rằng, các đại lý không báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thực hiện dịch vụ quảng cáo liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều 15, Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc các cá nhân kinh doanh trên mạng Internet ở trong nước đang có xu hướng lựa chọn hình thức mua quảng cáo trực tiếp, không thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, để giảm chi phí trung gian khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Hành vi này chưa tuân thủ quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP.

"Chính vì cơ chế quản lý nội dung trên Youtube còn rất nhiều bất cập như trên nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này như cóc bỏ đĩa", ông Lê Quang Tự Do nói.

Sẽ quản chặt các đơn vị sáng tạo nội dung

Đối với các công ty đối tác quản lý đa kênh của Google tại Việt Nam (MCN), tính đến tháng 5/2019, theo thông báo chính thức của Google cho Bộ Thông tin và Truyền thông thì Youtube có 5 MCN tại Việt Nam quản lý khoảng 6000 kênh Youtube Tiếng việt. Qua rà soát của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, hiện Youtube đang trực tiếp quản lý 130 nghìn kênh Tiếng Việt.

Cục nhận thấy sai phạm trên Youtube chủ yếu đến từ 130 nghìn kênh tiếng Việt do Youtube trực tiếp quản lý.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, các MCN chưa quản lý chặt chẽ nội dung do các chủ kênh trong mạng lưới đăng tải, chưa phát huy vai trò xây dựng những nội dung tích cực, lành mạnh trên Youtube, mà có xu hướng và tâm lý chạy theo các nội dung vô bổ ít tính giáo dục để câu view, câu like từ đó nhận được nhiều tiền quảng cáo. Ngoài ra cũng chưa nhận thức đầy đủ vai trò quản lý chặt chẽ nội dung trong mạng lưới đa kênh của mình.

Thời gian tới Cục sẽ lập danh sách các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp kiếm tiền trên Youtube để quản lý, Phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng nhà nước, Tổng cục Thuế,... xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời Cục cũng yêu cầu báo cáo toàn diện về hoạt động hợp tác của Công ty với Youtube trong vai trò là MCN, cung cấp thông tin chi tiết của các kênh Youtube nằm trong mạng lưới của Công ty

Ông Lê Quang Tự Do cho biết Cục sẽ yêu cầu các MCN phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý nội dung, quản lý quảng cáo, thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước đối với những kênh Youtube trong mạng lưới. Thực hiện ngay các chỉ đạo của cơ quan quản lý khi phát hiện sai phạm. Cục sẽ tiến hành nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý các MCN và quản lý các kênh Youtube phát sinh thu nhập nằm ngoài MCN.

Trong khi với các đại lý quảng cáo, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu chủ động rà soát, tuyệt đối không quảng cáo trong các clip Youtube có nội dung xấu độc, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước; đồng thời cảnh báo với Google nhằm bảo đảm hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo của Công ty phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Yêu cầu đại lý quảng cáo không được đăng phát quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu của Công ty mình trên các clip xấu độc vi phạm pháp luật trên Youtube.

Đặc biệt với nền tảng Youtube, Google, Cục sẽ yêu cầu Youtube định danh các kênh Youtube tiếng Việt, chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật thì mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. Đối với kênh đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo vi phạm thì không được chia sẻ tiền quảng cáo.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông còn đang phối hợp với Ngân hàng nhà nước và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên Youtube và Google.

Vị Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết sẽ yêu cầu Youtube bỏ tính năng suggest đối với các kênh mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông báo vi phạm. Bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây. Đơn vị này tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc phối hợp ngăn chặn gỡ bỏ với các clip, kênh vi phạm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top