Một trong những căn cứ mới để xác định tiền lương tối thiểu trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi là dựa vào khả năng chi trả của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là một yếu tố rất khó xác định và mang tính đơn lẻ của doanh nghiệp…
Đó là thông tin tại hội thảo tham vấn và chia sẻ các khuyến nghị đối với dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi do Trung tâm Phát triển và Hội nhập, Mạng lưới hành động vì lao động di cư và các đối tác tổ chức ngày 20/6 tại Hà Nội.
Trong đó, nội dung nhận được nhiều khuyến nghị của các đại biểu tại hội thảo là chính sách liên quan đến tiền lương, nhất là lương tối thiểu vùng.
Lương tối thiểu thấp là nguyên nhân dẫn đến đình công
Điều 91 Bộ luật Lao động hiện hành quy định mức lương tối thiểu là mức thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường.
Tiền lương tối thiểu được xác định và điều chỉnh theo các căn cứ và yếu tố như: mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa lương tối thiểu và mức lương phổ biến trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung cầu, năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của các đại biểu, Bộ luật Lao động 2012 đã rất tiến bộ khi đưa nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào định nghĩa lương tối thiểu, nhưng dự thảo hiện nay đã loại bỏ yếu tố này trong điều 91 nhưng đưa vào điều 92 và chuyển thành căn cứ để xác định tiền lương tối thiểu.
Việc sửa đổi này đã làm giảm mức độ bảo vệ người lao động, và không đảm bảo ưu tiên mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của bản thân và gia đình họ như tinh thần của Nghị quyết số 27/NQ-TW.
Thực tế, với phương thức tính tiền lương tối thiểu như hiện nay mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, do đó người lao động buộc phải làm thêm giờ để trang trải các nhu cầu cơ bản của mình.
Trong khi đó, mức lương tối thiểu có thể được hầu hết các doanh nghiệp sử dụng trong việc đàm phán đơn hàng, đặc biệt ở các doanh nghiệp thâm dụng lớn lao đông như may mặc, điện tử, giày da thì việc chi trả lương cho người lao động luôn bằng hoặc không tăng đáng kể so với mức lương tối thiểu.
Lương tối thiểu không đảm bảo cuộc sống cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc đình công. Đáng chú ý, ngành dệt may và da giày là hai ngành có mức lương thấp nhất, đồng thời cũng có tỷ lệ đình công cao nhất. Chỉ tính riêng trong năm 2018, ngành dệt may có 84 cuộc đình công, chiếm đến 39%, ngành da giày có 44 cuộc đình công, chiếm gần 21% tổng số cuộc đình công trên cả nước.
Xem xét lại các yếu tố xác định lương tối thiểu
Với bối cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, theo các đại biểu, vì mức lương tối thiểu không đủ đáp ứng nhu cầu của người lao động dẫn đến chủ doanh nghiệp sử dụng làm thêm giờ như một công cụ để ép buộc người lao động làm thêm.
Việc này đã dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam vi phạm Công ước 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, cũng như các cam kết của Việt Nam trong một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP.
Như vậy, theo các đại biểu, nguyên tắc xác định mức lương tối thiểu vùng phải dựa trên nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Thêm vào đó, xu hướng của thế giới đang đẩy mạnh việc tăng lương giảm giờ làm, những tiêu chuẩn của khách hàng cũng đã yêu cầu các nhà sản xuất của Việt Nam phải đáp ứng mức lương đủ sống.
Gần đây, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Việt Nam phải thay đổi chiến lược thu hút đầu tư, chuyển từ thu hút bằng lao động giá rẻ sang các giá trị khác như: chất lượng lao động, nền chính trị ổn định, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng…
Hơn hết, cần xem xét lại các yếu tố, căn cứ xác định mức lương tối thiểu vùng thật rõ ràng, để các bên, nhất là người lao động có thể tiếp cận và đo đếm được. Riêng đối với yếu tố khả năng chi trả của doanh nghiệp, các đại biểu cho rằng là rất khó xác định và mang yếu tố đơn lẻ của doanh nghiệp. Do đó, nếu sử dụng yếu tố này cần làm rõ khái niệm "khả năng chi trả của doanh nghiệp" hoặc căn cứ để có cơ chế giám sát.
Post a Comment