Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong 12 hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vừa được Quốc hội thông qua sáng 14/6.
Gồm 7 chương, 36 điều, luật này có hiệu lực thi hành từ ngày đầu tiên của năm sau, cũng có nghĩa là từ 1/1/2020 sẽ cấm hoàn toàn việc uống rượu bia khi lái xe, chứ không phải không được uống vượt mức quy định như quy định hiện hành.
Đây là bất ngờ phút chót của đạo luật được cử tri đặc biệt quan tâm này. Bởi, như VnEconomy đã thông tin, trước đó Quốc hội đã thể hiện chính kiến bằng bấm nút điện tử hai phương án: Một là "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" và hai là "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông".
Nhưng khá bất ngờ, cả hai phương án đều không được 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Và thông tin từ Tổng thư ký Quốc hội sau đó với báo chí là sẽ không có phương án nào được thể hiện trong dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.
Bất ngờ tiếp theo, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật hoàn thành ngày 13/6 và được trình bày trước khi đại biểu bấm nút đã thể hiện tinh thần khác.
"Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dư luận, mong muốn của cử tri gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm " điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông", báo cáo tiếp thu giải trình nêu rõ.
Kết quả biểu quyết điều 5 "Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng chống tác hại của rượu, bia" có 77,27% tổng số đại biểu tán thành, 54 đại biểu không tán thành và 18 vị không biểu quyết.
Biểu quyết toàn bộ dự thảo luật, 84,30% đại biểu Quốc hội đồng ý. Trong số 450 đại biểu tham gia biểu quyết có 25 vị không tán thành, 17 vị không biểu quyết.
Ngoài các điều cấm, trước khi đại biểu nhấn nút Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau qua thảo luận.
Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Nguyễn Thuý Anh cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định cấm quảng cáo, khuyến mại rượu, bia; ý kiến khác đề nghị quy định cấm quảng cáo rượu, bia trên báo in và internet, mạng xã hội.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép chỉ cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên, cấm khuyến mại rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên và cấm sử dụng rượu, bia ở mọi loại độ cồn để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi tại Điều 5.
Đối với các loại rượu, bia không thuộc trường hợp kể trên thì sẽ sử dụng những biện pháp quản lý quảng cáo, khuyến mại phù hợp theo từng mức độ cồn, tương ứng với từng loại phương tiện quảng cáo quy định tại các điều 11, 12 và 13 của dự thảo luật.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định không được quảng cáo trên phương tiện quảng cáo (trong đó có báo in) dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, phụ nữ mang thai; quy định chặt chẽ việc quảng cáo trên internet, mạng xã hội để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm.
Về quy định cấm bán rượu, bia trên internet, điều 16 dự thảo luật đã quy định điều kiện bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử, trong đó nêu rõ "áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt".
Luật cũng quy định 6 địa điểm không bán rượu, bia
1. Cơ sở y tế, trừ trường hợp sử dụng rượu, bia để chữa bệnh theo chỉ định của bác sỹ.
2. Cơ sở giáo dục.
3. Cơ sở hoặc khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ, cơ sở giam giữ phạm nhân.
5. Cơ sở bảo trợ xã hội.
6. Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.
Post a Comment