Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua cùng với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 trên 480 tỷ USD là tiền đề cho ngành logistics phát triển. Nhưng thực tế cho thấy, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa tận dụng tối đa được lợi thế này.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xung quanh vấn đề này.
Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính của tình trạng ngành logistics chưa tận dụng tối đa lợi thế?
Đánh giá một cách khách quan, năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics còn thấp, chi phí còn rất cao, tỉ lệ 20% so với GDP của Việt Nam, trong khi của Trung Quốc là 17,8% và Singapore là 9%.
Sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ. Đây là một trong những lý do làm cho dịch vụ logistics của Việt Nam kém phát triển so với yêu cầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam chủ yếu làm đại lý, hoặc đảm nhận từng công đoạn như nhà thầu phụ trong dây chuyền logistics cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế.
Có trên 25 doanh nghiệp logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong thị phần cung cấp dịch vụ logistics tại nước ta.
Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ logistics đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp không lớn nên cơ cấu tổ chức đơn giản, không thật sự chuyên sâu, không tổ chức được các văn phòng đại diện ở nước ngoài, nguồn thông tin bị hạn chế.
Thế nên đa số các doanh nghiệp chỉ dừng ở đại lý cấp 2, cấp 3 cho các đối tác nước ngoài có mạng lưới toàn cầu mà chưa kết nối được hoạt động vận tải đa phương thức. Số lượng tuy lớn nhưng các công ty logistics Việt Nam mới chỉ tập trung vào một số công đoạn trong chuỗi giá trị dịch vụ có doanh số hàng tỉ USD này.
Đặc biệt, các công ty logistics Việt Nam mới chỉ hoạt động trong phạm vị nội địa hoặc một vài nước khu vực ASEAN, trong khi phạm vi hoạt động của các công ty nước ngoài như APL Logistics là gần 100 quốc gia. Đây là một trong những cản trở các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ theo chuỗi giá trị.
Tại Nghị quyết số 02/CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, một trong những mục tiêu cơ bản là nâng xếp hạng hiệu quả logistics thời gian tới lên 5 - 10 bậc. Bộ Công Thương có những giải pháp gì để phát triển ngành logistics Việt Nam?
Trước tiên, cần thay đổi nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm, định hướng chỉ đạo mang tính nhất quán xuyên suốt quá trình phát triển ngành logistics trong thời gian tới sẽ là một ngành "dịch vụ nền tảng".
Logistics đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững ở nước ta.
Tiếp đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tăng trưởng ổn định và bền vững.
Các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến logistics, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu ở các cấp, các ngành và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Đặc biệt, cần có sự đột phá trong đổi mới công tác quản lý nhà nước, đổi mới tổ chức, hoạt động và cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin cho tương xứng, phù hợp với thực tiễn. Trong đó cần rà soát quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics kết nối hiệu quả với các hệ thống cảng biển, đường giao thông trong nước và khu vực, tạo thành những tuyến, luồng vận chuyển hàng hóa thuận lợi, hiệu quả cao.
Trong khi đó, cần khơi thông, phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của thế giới.
Các doanh nghiệp dịch vụ logistics là những doanh nghiệp tiếp xúc nhiều với nước ngoài, học hỏi được nhiều kinh nghiệm về hội nhập và cạnh tranh nên càng phải chủ động, có chiến lược phát triển bài bản để mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động, đem lại dịch vụ chất lượng cao với chi phí thích hợp cho khách hàng.
Tập trung đầu tư, hỗ trợ một số trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành logistics. Đồng thời, thống nhất với các nước ASEAN khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tiến tới công nhận các văn bằng, chứng chỉ nghề về logistics nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành logistics trong nước nói riêng và khu vực nói chung.
Để giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, chỉ riêng ngành công thương không thể giải quyết được. Theo ông cần phải làm gì?
Việc giảm chi phí logisitics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam là một trong những mục tiêu được nêu trong quyết định này và đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội.
Post a Comment