Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hoàn tất tuần giảm mạnh nhất từ tháng 10, khi nhà đầu tư đánh giá tác động từ kết quả thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J).
Ngoài ra, cuộc đối đầu giữa các quỹ đầu cơ ở Phố Wall với các nhà đầu tư nhỏ lẻ xung quanh cổ phiếu GameStop làm gia tăng mức độ biến động của thị trường.
Theo tin từ Reuters, cổ phiếu J&J giảm 3,6%, gây áp lực giảm nhiều nhất lên cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500, sau khi hãng dược này tuyên bố loại vaccine Covid-19 chỉ cần tiêm một mũi của hãng đạt hiệu quả 72% trong thử nghiệm ở Mỹ, so với mức 66% trong thử nghiệm toàn cầu.
Kết quả này khá "đuối" nếu so với hiệu quả của 2 loại vaccine Covid-19 đã được cơ quan chức năng nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, phê chuẩn. Loại vaccine cần hai mũi tiêm của Pfizer/BioNTech và của Moderna đều đạt hiệu quả khoảng 95%. Cổ phiếu Moderna tăng 8,5% phiên này, trong khi Pfizer giảm 0,1%.
Nỗi lo về hiện tượng "bán non" (short squeeze) đã quay trở lại Phố Wall trong phiên này, khi đội quân hùng hậu các nhà đầu tư nhỏ lẻ quay lại gom những cổ phiếu như GameStop và Koss. Trước đó, giá những cổ phiếu này đã sụt giảm trong phiên ngày thứ Năm sau khi một số công ty môi giới như Robinhood áp hạn chế giao dịch đối với những cổ phiếu như vậy. Phiên này, lực mua các cổ phiếu đó lại bùng nổ sau khi Robinhood nới hạn chế.
Cổ phiếu GameStop chốt phiên với mức tăng gần 68%, sau cú giảm 40% trong phiên ngày thứ Năm.
"Bức tranh chung là khi có bất kỳ một thông tin xấu nào cho thấy mọi người có thể phải ở trong nhà lâu hơn hay giảm chi tiêu, thì thị trường đều có khuynh hướng giảm và nhiều người sẽ không xuống tiền", Giám đốc đầu tư Sylvia Jablonski thuộc Defiance ETFs nhận xét. "Rồi còn có vấn đề GameStop nữa, khiến không ít người ngại giao dịch".
Mức độ biến động mạnh của thị trường dẫn tới khối lượng giao dịch tăng vọt. Trong hai phiên vừa qua, có tổng cộng hơn 20 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch ở Mỹ mỗi phiên, đánh dấu những ngày giao dịch sôi động nhất kể từ năm 2014, theo dữ liệu của Refinitiv
Phiên này, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 17,13 tỷ cổ phiếu, so với mức bình quân 15,26 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) cho biết đang theo dõi chặt chẽ để phát hiện bất kỳ sai phạm nào nếu có, đối với cả các công ty môi giới và các nhà đầu tư.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 2,03%, còn 29.982,62 điểm. S&P 500 mất 1,93%, còn 3.714,24 điểm. Nasdaq trượt 2%, còn 13.070,7 điểm.
Tính cả tuần, Dow Jones sụt 3,28%; S&P 500 giảm 3,31%; và Nasdaq "bốc hơi" 3,49%.
Tính cả tháng 1, Dow Jones mất 2,04%; S&P 500 giảm 1,12%; và Nasdaq tăng 1,42%.
Cả S&P 500 và Dow Jones đều chốt phiên ngày thứ Sáu dưới ngưỡng trung bình 50 ngày, một mức hỗ trợ kỹ thuật quan trọng.
Giới phân tích cho rằng biến động thị trường do ảnh hưởng của "bán non" đã dẫn tới việc những cổ phiếu được yêu thích như Apple chịu áp lực bán mạnh, do các quỹ đầu cơ phải bán ra các cổ phiếu này để bù lỗ hàng tỷ USD ở danh mục bán khống.
Lúc đóng cửa, cổ phiếu Apple sụt 3,75%, cổ phiếu Microsoft giảm 2,92%.
Số ca nhiễm mới Covid-19 tiếp tục tăng mạnh và những trở ngại trong việc phân phối vaccine đang là một trong số những vấn đề gây tâm lý bất an ở Phố Wall. Nhà chức trách Mỹ ngày 29/1 đã phát hiện ca nhiễm Covid-19 biến chủng châu Phi đầu tiên tại South Carolina. Đây là biến chủng có khả năng kháng các vaccine hiện có và các phương pháp điều trị bằng kháng thể.
Nhưng đổi lại, nhà đầu tư cũng đang giảm bớt một số mối lo về định giá cổ phiếu, khi kết quả báo cáo kinh doanh quý 4 của các công ty niêm yết được đánh giá khả quan. Trong số 184 doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo, có 84,2% đạt kết quả tốt hơn dự báo của giới phân tích, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 75,5% trong 4 quý trước đó, theo Refinitiv.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 2,88 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,38 lần.
Post a Comment