Nhắc đến Quảng Trị, người ta nhớ đến cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Tìm về Quảng Trị, người ta tìm đến nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị...
Trằm Trà Lộc cũng là một điểm đến không nên bỏ qua mỗi khi ghé qua mảnh đất gió nắng miền Trung. Đến với khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc, du khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên, khám phá vẻ đẹp còn hoang sơ về hệ động thực vật phong phú, đa dạng và quý hiếm mà những ai đã đến thì chắc hẳn sẽ không muốn về.
Trằm Trà Lộc thuộc làng Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, chỉ cách TX Quảng Trị 8km, cách QL 1A đoạn đi qua Ngã ba Hải Lăng (còn gọi là ngã ba Diên Sanh) vài phút xe máy đi theo hướng về biển Mỹ Thủy. cách Thị xã Quảng Trị khoảng 6km về phía Ðông Nam, cách Trung tâm Hành hương đức mẹ La Vang khoảng 5km về phía Đông Bắc; cách Quốc lộ 1A khoảng 3km về phía Đông Bắc.
Đã hình thành một vùng hồ nước rộng gần trên trăm hécta mà người dân địa phương vẫn gọi với cái tên Trằm Trà Lộc. Nơi đây vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ của một khu nguyên sinh, và là địa điểm thu hút rất nhiều du khách...
Trằm - theo cách gọi của nhân dân địa phương là bàu nước, còn có tên là bàu Giàng, có diện tích mặt nước khoảng 20ha, nằm giữa một vùng tiếp giáp giữa đồi cát và vùng đồng bằng ruộng trũng. Ðây là nơi hội tụ các luồng, mạch nước từ trong các cồn cát tiết ra, dẫn về theo vô số các các lạch nhỏ. Trải qua nhiều lớp cư dân từ người Chăm đến người Việt, bàu nước này đã được dân địa phương sử dụng để trở thành một công trình thủy lợi khá hoàn chỉnh với một hệ thống mương máng phục vụ tưới tiêu cho một vùng đồng ruộng phía tây làng Trà Lộc.
Tương truyền từ ngày xưa có ông tiên quẩy đôi quang gánh đi trên 9 tầng mây với một đầu là một viên đá dùng đánh lửa còn đầu kia là sọt cát để đi lấp biển. Trên đường đi chẳng may đòn gánh bị gãy, hòn đá rơi xuống và tạo ra cái Trằm, còn sọt cát thì tạo ra một sa động mang tên là động Cát Tiên. Lại có tích cho Trằm là nơi các vị thần linh, tiên nữ về hội tụ trong một lễ hội du thủy nên mới có tên là Bàu Giàng, còn động Cát tiên là nơi các tiên ông thường xuống chơi cờ. Truyền thuyết về Trằm Trà Lộc hoặc những câu chuyện được nhân cách hoá thực ra cũng để thỏa mãn nhu cầu được tự hào, ngợi ca và ngưỡng vọng của dân làng đối với một khung cảnh thiên nhiên trữ tình thơ mộng nằm giữa một vùng đồi cát trắng mênh mông trên dải trường sa của vùng Hải Lăng. Dẫu sao thì giữa một vùng đồi cát mênh mông, mùa hè nắng cháy rát bỏng lại tồn tại một bàu nước với một không gian xung quanh là một khu rừng thuộc thảm thực vật vùng cát xanh tươi thì có thể nói đấy như là một “cổ máy điều hoà” mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân nơi này.
Phong cảnh Trằm Trà Lộc
Toàn bộ khung cảnh Trằm Trà Lộc Quảng Trị là cả một hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Bao quanh hồ nước là những cụm rừng với bạt ngàn cây lớn nhỏ, đặc biệt là đước và dây leo chằng chịt vắt ngang đầu người, cũng là tổ ấm của những đàn chim, đàn khỉ.Vẻ hoang sơ ấy ngỡ chỉ bắt gặp ở miền sơn cước, nhưng giữa lòng Trung bộ, ta vẫn có thể cảm nhận được màu xanh ngút ngàn của rừng núi, có thể nghe từng nhịp thở của sinh vật bởi nơi đây bình yên và hiền hòa.
Khách du lịch đến từ các tỉnh thành khác
Cây cầu bắt đầu đi vào khu ăn uống và nghỉ mát
Ngày trước, do có vị trí chiến lược nên Trằm Trà Lộc được chọn làm căn cứ địa kháng chiến và trạm phẫu thuật tiền phương phía nam Quảng Trị. Chính vì vậy không ít bom đạn đã giội xuống mảnh đất này, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cây lớn nhỏ trong Trằm đan thành vòng tay lớn chở che cho hàng trăm chiến sĩ, bộ đội, gồng mình lên hứng chịu hết mưa bom bão đạn.
Cho đến ngày hôm nay, các cụ già trong làng vẫn chỉ ra được những dấu tích, những mảnh cắt của bom đạn trên thân cây. Cây bấu víu nhau mà sống, rễ dưới nước, rễ trên cạn đan chặt nhau qua bao đời. Sức sống mãnh liệt ấy cũng như sức sống của con người Quảng Trị, chịu thương chịu khó, nương tựa lẫn nhau.
Cảnh đẹp Trằm Trà Lộc
Cứ mỗi năm tháng 7 về, các chiến sĩ, bộ đội về thắp hương cho đồng đội nằm lại trên các nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn lại không quên ghé về đây thăm lại chiến trường xưa. Ở đấy, người ta cảm nhận được cái quật cường của Trằm Trà Lộc như Rừng xà nu anh hùng trong kháng chiến.
Mùa nắng, ở mảnh đất Quảng Trị tưởng chừng thiêu đốt tất cả, nhưng khi đến với Trằm Trà Lộc, lớp lớp cây xanh làm chiếc ô khổng lồ che khuất ánh nắng mặt trời để cho du khách tha hồ dạo chơi. Thú vị hơn cả là ta có thể bắt gặp những chú khỉ đang ngất ngưởng trên cây, từng đàn chim, cò, vịt trời kéo về đem lại một cảm giác bình yên đến lạ.
Trằm Trà Lộc hấp dẫn du khách không chỉ vì vẻ đẹp hiếm có giữa mảnh đất Trung bộ mà còn níu lòng rất nhiều người bởi vẻ nguyên sơ, mộc mạc như chưa hề có sự tác động của bàn tay con người. Rất nhiều động vật quý hiếm như trăn, rắn, khỉ, chim muông tịch thu được của những tay buôn được đem về thả ở đây.
Sát bên con đường dẫn vào Trằm là hồ nước rộng lớn. Mùa hoa súng, hoa sen nở, mặt hồ điểm thêm sắc tím sắc hồng khiến người ta tưởng chừng đang tận hưởng phong vị mộng mơ, buồn buồn của xứ Huế. Trên những cây cầu bán nguyệt, du khách buông cần câu cá lại thấy thi vị như đang sống trong nông thôn miền Bắc.
Hay ngồi trong những chiếc chòi lá dựng sát mép hồ nhìn ra phía xa xa là từng cụm đước ngâm mình dưới nước tốt tươi, đâu đó một chiếc xuồng nhỏ đi vớt bèo lại mường tượng ra cánh rừng ngập mặn của miền Tây Nam bộ. Người ta thường ví Trằm như một gia đình thống nhất vì ở Trằm, họ có thể hình dung ra ba miền Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt, những người tha hương sẽ tìm thấy chút “hồn quê” của mình ở khu truông rú giữa lòng Trung bộ.
Rất tuyệt khi ngồi trên những ngôi nhà sản nổi hóng mát thưởng thức món ngon
Cứ vào mỗi vụ lúa đông xuân, người dân trong làng Trà Lộc lại tổ chức lễ hội “phá Trằm”. Người ta quan niệm rằng Trằm là do tạo hóa ban tặng cho con người nên sau những chuỗi ngày lao động vất vả, bà con nông dân lại “phá” Trằm. Gọi là “phá” nhưng thực chất chỉ là đánh bắt cá, tôm, lươn, ốc... ở hồ nước trong Trằm. Từ cụ già cho đến trẻ nhỏ, ai cũng hồ hởi tham gia với rớ, lưới, nơm để bắt những chú tràu, chú chép...
Tan hội, mọi người về nhà với rủng rỉnh những xô cá đầy, những rổ ốc bươu còn há miệng. Thanh niên trai tráng trong làng lựa ra những chú cá to làm một bữa nhậu hay một nồi cháo thơm phức cùng ăn với gia đình. Phần còn lại để dành mấy “o” đưa ra chợ bán. Trằm còn là nơi cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, nhờ có Trằm mà cây lúa của bà con nông dân vẫn xanh tươi qua mùa nắng hạn.
Đến Trằm Trà Lộc thưởng thức món ngon
Đến với Trằm Trà Lộc, du khách còn được thưởng thức những đặc sản mà chắc hẳn nếm thử một lần sẽ không bao giờ quên. Ngồi trên những chiếc chòi lá ngắm cảnh, nhâm nhi rượu Kim Long cùng vớihến xào, ếch xào hay một con cá đồng vừa vớt dưới lồng lên thì không có gì tuyệt vời hơn.
Món đặc sản cá chép hấp cuốn bánh Tráng
Ngoài ra, có thể thưởng thức món cháo bột Quảng Trị được nấu từ sợi bột gạo trắng thơm cùng với cá lóc, vừa ngon ngọt lại thêm hương nồng của củ ném (nén) khiến ai cũng phải tấm tắc khen. Để làm quà cho người thân thì nên tìm mua cao lá vằng, lúc đầu uống nghe đắng cả cổ họng, nhưng uống xong lại thấy vị ngọt thanh.
Khu du lịch sinh tháiTrằm Trà Lộc là điểm đến của nhiều đoàn khách tham quan du lịch, nhiều tốp sinh viên tới nghiên cứu, khảo sát thực địa. Mùa hè, học trò thường hay tổ chức những cuộc dã ngoại cuối tuần tại đây để tránh cái nóng bức và những đợt gió Lào. Đấy còn là cảnh quan lý tưởng cho những đôi trai gái sắp kết hôn đến chụp ảnh cưới.
Song nặng lòng hơn cả là tình người đan dệt vào thiên nhiên, để những ai suy tư sẽ thấy Trằm Trà Lộc quật cường, kiên gan và hết mình vươn tới ngày mai như chính những tố chất tốt đẹp bao đời nay của con người trên mảnh đất miền Trung chịu nhiều tang tóc, bom đạn chiến tranh này.
Hội "phá Trằm" của người dân