Bạn không mời cưới thì tôi được: quyền trách bạn, không mất tiền cưới, không mất thời gian đi ăn cưới, nhận ra giá trị tình bạn đến đâu.

Nỗi niềm về người bạn mà tôi cho là thân vừa đám cưới cách đây 10 ngày thôi thúc tôi lần đầu tiên viết ra những dòng tâm sự này.

Sau đại dịch Covid-19, trí nhớ của tôi giảm thấy rõ, nhưng những ký ức thì tôi không thể nào quên. Còn nhớ, ngày đầu tiên tôi đến trường (lớp một, năm 1998), tôi đã biết bạn vì bạn là lớp trưởng, còn tôi chỉ là học sinh nhất nhì lớp từ dưới đếm lên. Ngoài việc học dở, tôi còn tự ti, sợ đám đông, không dám giao tiếp với người lạ, vì vậy trong lớp chẳng có bạn bè. Tôi ám ảnh những lần cô giáo gọi lên khảo bài. Lúc đó tôi chỉ biết vùi đầu xuống bàn và chưa bao giờ dám nhìn vào mặt giáo viên. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên giấu sổ liên lạc vì sợ cha mẹ biết mình học lực trung bình yếu và những lời chê bay từ giáo viên. Những lúc như thế, tôi chỉ biết một điều là nếu ở lại lớp, tôi sẽ nghĩ học, nhưng may mắn tôi cũng bước qua cấp một.

Bắt đầu lớp sáu, ở môi trường mới không còn bạn bè cũ, tôi buộc phải thích nghi với các bạn học mới, những người (trừ vài bạn) lúc nào gặp tôi cũng gọi tôi là bê đê, bóng,... Tôi vô cùng xấu hổ và cố gắng vùng vẫy trong vũng bùn đó suốt những năm cấp hai. Năm lớp bảy, vì lý do nào đó, nhà trường trộn các lớp với nhau và tôi tình được học chung lớp với bạn lần hai, lúc này bạn không còn là lớp trưởng nữa mà là lớp phó học tập.

Bốn năm cấp hai, chúng tôi bắt đầu dậy thì, bạn dậy thì thành công vừa đẹp trai, học giỏi, còn tôi thì thất bại với vẻ ngoài xấu xí lại học dốt. Vì lý do đó, bạn được nhiều bạn trong lớp thích chơi chung và có bạn nữ đẹp nhất nhì lớp thích bạn. Vì điều này mà tai họa ập đến với bạn bằng những cái đấm hội đồng của đám học sinh cá biệt lớp khác đang lăm le bạn nữ đó. Tôi nhớ không nhầm thì một tuần cũng phải 2-3 trận đánh, đến mức bạn tôi phải trốn về nhà hoặc bỏ học mấy hôm. Những lúc thế này, tôi rất thương xót cho bạn và vô cùng căm phẫn những học sinh cá biệt kia. Nhưng ngoài việc ngồi đó chứng kiến, một kẻ hèn nhát, rụt rè, yếu đuối như tôi chẳng biết phải làm gì.

Rồi thời gian từ từ trôi qua, bạn ra khỏi môi trường độc hại đó với tên tuổi học giỏi đẹp trai, còn tôi cũng lê lết bò trườn qua cấp hai với muôn lời kỳ thị, chọc ghẹo, chê bai. Để có thể vượt qua khoảng thời gian khó khăn đó, tất cả nhờ vào vài lần giúp đỡ của bạn và một số thủ thuật gian lận trong thi cử. Tôi còn nhớ rất rõ, năm lớp 7 có bài kiểm tra môn Lý, bạn cho tôi xem bài, nhưng bài bạn được 8,5 điểm, còn bài tôi lại được 9,5. Một điều nữa tôi rất quý trọng bạn ở chỗ bạn chưa bao giờ khinh khi hay buông lời khó nghe với tôi làm tôi thấy cuộc đời này vẫn còn người tốt. Tôi rất cảm ơn bạn vì điều đó.

Vào lớp mười, tôi không học chung lớp với bạn. Tôi học lớp nâng cao các môn xã hội (do sự lựa chọn chứ không phải năng lực). May mắn lại mỉm cười với tôi lần nữa bằng một bài kiểm tra toán 8 điểm (cao nhất lớp, được thầy giáo công bố trước lớp). Đây không nói lên năng lực của tôi vì bài kiểm tra này tôi đã copy của một bạn nữ ngồi sau lưng kết hợp với xem tài liệu. Từ lúc này tên tuổi của tôi được các bạn tung hô. Tính cách tôi cũng cải thiện, không còn mềm yếu, rụt rè. Từ đó tôi không còn bị kỳ thị hay trêu đùa từ những người bạn mới này.

Nhờ vậy, tôi ý thức được sự vui sướng khi được điểm cao và bắt đầu lao vào học tập. Với kiến thức nền tảng từ lớp dưới hầu như trống rỗng, tôi biết con đường phía trước sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng không từ bỏ mà cố gắng để đền đáp lại những may mắn ông trời đã ban cho mình. Tôi nghĩ lý do mình gặp may mắn là ngày trước tôi hiểu được câu "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Tôi cho rằng mình học dốt là chẳng có tài, thôi cố vớt lại cái đức dù biết làm việc gì cũng khó. Vậy nên tôi cố sống tử tế, hay đi nhổ cây thuốc mang đến chùa để lấy kinh thay cho những thói hư tật xấu.

Hết lớp mười, tôi không còn học ban xã hội nữa, trường chuyển tôi vào học chung lớp với người bạn tôi cho là thân. Lúc này bạn được bầu làm lớp trưởng, còn tôi chỉ là học sinh bình thường trong một góc nhỏ của lớp. Nhưng không vì điều đó mà tôi bỏ cuộc. Tôi cố gắng học tập từng ngày, bắt đầu từ môn Toán rồi đến môn Lý, Hóa. Sự cố gắng của tôi được đền đáp bằng những lời khen của giáo viên Toán. Từ đây tôi có những người bạn gọi là thân thiết, trong đó có bạn lớp trưởng, vì nhà bạn gần nhà tôi, thường đi học chung với nhau (nhà chúng tôi cách trường khoảng 5 km, mất 30 phút chạy xe đạp).

Không ngừng ở đó, đến năm lớp 12, điểm số Toán, Lý, Hóa của tôi có thể thi đua với các bạn trong lớp và ngoài lớp. C lần giáo viên Hóa còn khoe điểm tôi ở lớp khác. Những lúc đó, tôi rất hưng phấn. Nhưng giờ nhìn lại, với điểm số như vậy, ở một ngôi trường quê, tôi chỉ như con tép trong ao nhỏ, không biết được đại dương ngoài kia nên đợt thi đại học tôi đã rớt thê thảm. Sau kỳ thi, bạn vào đại học, tôi học cao đẳng (hai trường học khác nhau, cùng thành phố), chúng tôi phải xa nhà để sống và học tập.

Những dịp lễ tết, chúng tôi hay cùng họp lớp, đến nhà thầy cô trong suốt 5-7 năm. Trong khoảng thời gian này, các bạn dựng vợ gả chồng, bạn cũng nhiều lần nói với tôi là chuẩn bị cưới vợ. Tôi mong mỏi từng ngày việc bạn có gia đình để được mừng ngày vui nhất cuộc đời bạn. Nhưng sau đợt dịch, gia đình bạn có biến cố về tài chính nên phải chuyển đến thành phố bạn sinh sống để ở cùng (tôi được mọi người xung quanh kể lại). Tôi không còn nghe bạn nói về chuyện cưới xin và chúng tôi không gặp lại nhau, chỉ nói chuyện một hai câu qua mạng xã hội. Tôi thấy thương xót cho cuộc đời bạn nên nhiều lần cố liên lạc hẹn bạn cà phê cùng một người bạn thân khác để chia sẻ, nhưng hẹn năm lần bảy lượt trong suốt bốn năm mãi không gặp được bạn.

Một hôm, người bạn thân khác chơi chung nhắn cho tôi biết bạn vừa cưới xong (bạn biết được từ hình ảnh mạng xã hội của một người bạn khác ngoài lớp). Lúc này tôi ngồi phân tích lại, thấy bạn không mời cưới thì tôi được: quyền trách bạn, không mất tiền cưới, không mất thời gian đi ăn cưới, nhận ra giá trị tình bạn đến đâu. Còn cái tôi mất là: sự tôn trọng, tình bạn trong sáng. Tôi đã đưa lên cân sự được và mất này, cái mất quá nặng so với cái được, làm cho tôi có cảm giác thất vọng, buồn bã mấy hôm. Đi qua gần nửa cuộc đời, tôi cảm thấy mọi thứ đều có sự đánh đổi, và cái đánh đổi lớn nhất mà chúng ta phải trả đó chính là thời gian. Nhưng vốn thời gian của mỗi người có hạn, nên chúng ta hãy sử dụng thật ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị cho bản thân và mọi người xung quanh trong cuộc sống. Lần đầu tiên tôi viết tâm sự, mong được mọi người góp ý nhẹ nhàng.

Quốc Huy

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top