Hôm qua, khi thăm phố phường Hà Nội tôi thấy các xe quét rác trên đường. Thử hình dung nếu kết nối 200 - 300 xe quét rác đó lại, thu thập và phân tích dữ liệu về hoạt động dọn, quét rác, trữ lượng rác… thì chắc chắc sẽ hiệu quả và linh hoạt hơn rất nhiều so với việc hoạt động đơn lẻ của các xe quét rác như hiện nay.Và tôi nghĩ nếu có phần mềm kết nối các xe quét rác thì công ty về quản lý xe rác đó sẽ rất vui và sẵn sàng bỏ tiền mua.
Ví dụ trên là một trong nhiều ý tưởng về Internet of Things (IoT, hay còn gọi là Internet vạn vật) có thể áp dụng tại Việt Nam, được TS. Timothy Chou - giảng viên Đại học Stanford trong lĩnh vực IoT gợi mở tại buổi hội thảo "Internet vạn vật - nguyên lý, thực thi và giải pháp", diễn ra tại Hà Nội, sáng 5/4.
IoT ở “tây” và IoT ở ta
Theo TS. Timothy Chou, Internet vạn vật là một xu thế mới không thể “cưỡng lại” trên thế giới và đã, đang làm thay đổi mạnh mẽ về phương thức sản xuất trong mọi lĩnh vực. Ông lấy ví dụ ở Mỹ, một công ty về sản xuất máy (máy đập liên hợp) phải mất 1 tỷ USD/năm cho chi phí bảo dưỡng, tuy nhiên, sau khi ứng dụng công nghệ mới giúp bảo dưỡng nên đã tiết giảm chi phí được cả vài trăm triệu USD.
Hay một công ty về phát triển các ứng dụng IoT cho ngành vận chuyển đường sắt (tại Mỹ). Công ty này đã cung cấp ra phần mềm kết nối, thu thập thông tin từ các đầu từ, sau đó phân tích dữ liệu để hỗ trợ cho người lái tàu biết được thời điểm nào thì tăng tốc, thời điểm nào thì đi chậm lại, nhờ đó cũng đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
“Bước phát triển tiếp theo của hệ thống phần mềm trên là không cần người lái tàu nữa - tức là những đoàn tàu hoàn toàn chạy tự động”, TS. Chou nói và cho biết, trong năm nay, ở Úc sẽ có những đoàn tàu không người lái vận chuyển quặng sắt từ các mỏ về nơi chế biến.
Ông cũng nhìn nhận điều tương tự này cũng hoàn toàn có thể xảy ra với ôtô không người lái khi có các phần mềm về dịch vụ quản lý bảo mật được hoàn chỉnh, đảm bảo an toàn - nhất là khi hãng công nghệ Tesla đang thử nghiệm các mô hình xe tự lái của mình.
Và rất nhiều ngành khác như chăm sóc sức khỏe, ngành công nghiệp điện, nông nghiệp, dịch vụ về lốp xe… đều nhờ các ứng dụng công nghệ mới, phần mềm kết nối nên đã tiết giảm được chi phí và tạo ra hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều so với những mô hình hoạt động trước đó.
Từ những câu chuyện về IoT đã, đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, nhìn về Việt Nam, chuyên gia kỳ cựu về IoT của Đại học Stanford, nhìn nhận, Việt Nam là nước có nền nông nghiệp rất phát triển, ngành này có thể sử dụng rất nhiều máy móc cảm biến khác nhau và có thể ứng dụng công nghệ để biến ngành nông sản, thủy sản hoạt động chính xác và hiệu quả hơn. Từ đó phát triển ra các “cỗ máy” phục vụ ngành nông nghiệp trong nước, sau đó xuất khẩu ra các nước khác.
Hay trong ngành y tế cũng vậy. Theo ông, Việt Nam có thể tích hợp các máy chụp cộng điện từ vào hệ thống quốc tế để nâng cao độ chính xác, có thể giải mã bộ gen của 100 triệu người dân Việt Nam, từ đó sử dụng số liệu cho các mục đích như dự báo nguy cơ đột quỵ, ngăn ngừa bộc phát của nguy cơ dịch bệnh…
Hoặc một ví dụ nữa là ngành dệt may Việt Nam cũng rất phát triển. Nhưng theo TS. Chou, nhiều hệ thống máy móc trong ngành dệt không phải do Việt Nam sản xuất - vậy tại sao chúng ta không sản xuất các máy đó? Tại sao chúng ta không không tạo ra các phần mềm chạy trong các máy dệt đó để phục vụ cho ngành dệt của Việt Nam, và sau đó cũng xuất khẩu ra thế giới? - ông Chou đặt câu hỏi.
Theo TS. Timothy Chou, những phần mềm cho Internet của vạn vật sẽ là những phần mềm hoàn toàn mới, các công ty nổi tiếng đã giỏi trong phát triển mạng Internet của con người nhưng chưa có công ty nào lớn nổi trội trong lĩnh vực phát triển phần mềm cho Internet của vạn vật.
“Mới chỉ có ông lớn (người chiến thắng) trong phát triển mạng Internet nhưng chưa có người chiến thắng trong cuộc chơi IoT. Tất cả mọi người đều bình đẳng trong “cuộc chiến” IoT vì đó là Internet của vạn vận, không phải Internet của con người”, TS. Chou nêu quan điểm.
Làm gì trước xu thế bùng nổ IoT?
Với việc hàng trăm doanh nghiệp Việt ở rất nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau có mặt tại hội thảo trên cho thấy mức độ quan tâm của các doanh nghiệp trước xu thế bùng nổ của cuộc cách mạng Internet vạn vận, cách mạng số hiện nay.
Đại diện đến từ một công ty dệt may bày tỏ lo lắng khi công ty mình có số lượng cán bộ công nhân viên lên tới 12 nghìn người và sự phát triển của công nghệ sẽ dẫn đến hàng triệu việc làm bị mất. Ở góc độ ngành dệt may (một ngành được dự báo trong tương lai sẽ có lượng lao động thất nghiệp rất lớn bởi robot “lấy” hết việc làm - PV) – vị này đặt câu hỏi: liệu TS. Chou có nghiên cứu công nghệ nào để trở thành công cụ hỗ trợ chứ không phải kẻ thù của cuộc sống?
TS. Chou cho rằng, xu thế trên (công nghệ là “kẻ thù” của con người) đã đang diễn ra trên toàn cầu. Công nghệ đã làm thay đổi nhu cầu về nguồn nhân lực và tốc độ thay đổi đang tăng lên chứ không giảm đi. Trong khi đó, chính sách công tại mỗi quốc gia lại chưa thay đổi trước sự phát triển của công nghệ.
Theo ông, mô hình đào tạo hiện nay không còn phù hợp nữa, bởi vậy, cần phải đào tạo lại nguồn nhân lực. Vị này cũng cho rằng chúng ta cần ý thức được sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nếu không sẽ bị tụt hậu và chúng ta cũng không thể ngăn chặn được mà phải thích ứng, tham gia và bắt kịp nó.
“Chính phủ cần tìm ra các chính sách để giải quyết điều này, để tạo ra một thế giới tươi đẹp hơn thay vì ngủ mãi trong quá khứ tươi đẹp”, ông Chou nói.
Đến từ MobiFone, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc, đặt câu hỏi, trong xu thế IoT thì việc chia sẻ dữ liệu như thế nào để một quốc gia hay một cộng đồng có thể sử dụng chung?
TS.Chou cho rằng, dữ liệu và người sử dụng dữ liệu đang là một vấn đề nóng. Ví dụ trong ngành sản xuất ôtô không chia sẻ dữ liệu cho các nhà sản xuất robot, nhiều doanh nghiệp không muốn chia sẻ thông tin bởi có những tác động tới kinh doanh và gây ảnh hưởng xấu. Vì thế, việc chia sẻ là phụ thuộc vào dữ liệu đó là gì và trong lĩnh vực nào.
Bảo mật cũng là vấn đề quan trọng được đại diện nhiều doanh nghiệp đặt ra cho TS. Chou, vì hacker có thể tấn công vào hệ thống máy móc, tấn công vào các toa tàu, ôtô tự lái… TS. Chou cho rằng, trước hết mọi người cần ý thức về an ninh bảo mật, vì những rủi ro hiện nay vẫn đang xảy ra với camera, hệ thống ly tâm trong nhà máy điện hạt nhân… và tin tặc cũng có thể tấn công các máy móc từ các lỗ hổng an ninh.
IoT hiện nay vẫn đang rất sơ khai, chúng ta cần phải nghĩ ra các công nghệ bảo mật mới, ông nhấn mạnh.
Trên tất cả những lo lắng, chuyên gia IOT của Đại học Stanford nhấn mạnh, IoT mới khởi đầu, không là một trò chơi đã có người chiến thắng, vì thế chúng ta hãy quan tâm hơn đến phần mềm, hãy cố gắng nhận ra tiềm năng của mình, đồng thời khuyến khích nhân viên, sinh viên… tạo ra sản phẩm.
TS. Chou cũng cho rằng, IoT cũng là cơ hội để Việt Nam có thể bắt kịp cuộc cách mạnh mới và khẳng định vị thế của mình trên toàn cầu.