Thủ đô Jakarta của Indonesia.
Nếu kế hoạch đầu tư vào Indonesia và Nigeria thành công thì Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) lần đầu tiên sẽ có những thị trường nước ngoài có quy mô dân số lên tới trăm triệu dân. Không những thế, đây còn là quốc gia nằm trong 10 nước có dân số đông nhất thế giới.
Thông tin Viettel đầu tư vào Indonesia và Nigeria được công bố tại Đại hội đồng cổ đông của Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) vừa mới diễn ra và được đăng tải trên website của Viettel Global. Tại đại hội này, Viettel Global đã trình đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương đầu tư vào Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa liên bang Nigeria.
Thị trường… “khủng”
Theo nhiều số liệu thống kê mới nhất, tính đến thời điểm tháng 6/2016, Indonesia và Nigeria là hai trong mười quốc gia có dân số đông nhất thế giới, trong đó, Indonesia đứng thứ tư với hơn 258 triệu người (chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ), còn Nigeria đứng thứ 7 với gần 187 triệu người.
Là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Indonesia được dự báo có khả năng tăng trưởng mạnh trong dài hạn, với mức tăng có thể đạt 5,4% trong thời gian từ 2016-2020, được nhìn nhận sẽ là nền kinh tế nghìn tỷ USD trong tương lai gần, thậm chí còn vượt qua cả nền kinh tế Australia, Nga, Tây Ban Nha hoặc Hà Lan.
Viettel phân tích, việc đầu tư vào Indonesia đồng nghĩa với việc Tập đoàn sẽ sở hữu thị trường 70% dân số Đông Nam Á, từ đó, vừa nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, vừa tạo tiền đề để Viettel tiếp tục đầu tư sang các khu vực khác.
Tại thị trường Indonesia, mật độ thuê bao 3G, 4G của quốc gia này mới chỉ chiếm 58% dân số, còn thấp so với các nước tương đương trong khu vực (Philippines 60%, Thái Lan 126%), vì thế tiềm năng khai thác viễn thông tại đất nước vốn được mệnh danh là “Xứ sở vạn đảo”, theo Viettel là còn lớn.
Đối với Nigeria, quốc gia thuộc khu vực Tây Phi và là nước đông dân nhất châu Phi, từ lâu đã trở thành điểm sáng kinh tế tại châu Phi khi dẫn đầu về sản lượng dầu mỏ trong khu vực và thậm chí nhiều thời điểm hơn 90% nguồn thu ngoại tệ là nhờ vào dầu mỏ. Tuy nhiên, những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp dầu đá phiến tại Mỹ và khủng hoảng thừa dầu trên thế giới, khiến nền kinh tế Nigeria lâm vào khó khăn nhiều hơn.
Dù vậy, theo Viettel, Nigeria là một thị trường tiềm năng nhờ các yếu tố thị trường đông dân, GDP đầu người cao hơn Việt Nam, là một thị trường có khả năng tiêu dùng, có thu nhập, trình độ dân trí cao, người dân có nhiều giao dịch nên có nhu cầu sử dụng lớn. Trong khi đó, mạng lưới viễn thông tại đây lại chưa phát triển, thuê bao 3G vẫn đang chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
“Nigeria là cơ hội để Viettel phát huy ưu thế về hạ tầng mạng lưới viễn thông của mình”, báo cáo tờ trình của Viettel Global lý giải.
Viettel Global cho biết, do hai thị trường này đều là thị trường đông dân, quy mô dự án lớn nên cần được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt chủ trương trước khi thực hiện tính toán hiệu quả đầu tư, xây dựng phương án và làm các thủ tục đầu tư.
Và vốn đầu tư khủng?
Hiện Viettel đang đầu tư và kinh doanh tại 10 trị trường nước ngoài gồm Lào, Campuchia, Đông Timor, Cameroon, Haiti, Mozambique, Burundi, Peru, Tanzania và Myanmar (dự kiến quý 1/2018 sẽ chính thức khai trương) với số dân khoảng 230 triệu dân. Như vậy, với gần nửa tỷ dân (445 triệu người), số dân của Indonesia và Nigeria gấp đôi so với 10 thị trường trong 10 năm mà Viettel đi đầu tư và kinh doanh.
Không chỉ dân đông, hai quốc gia này còn có diện tích rất lớn, trong đó Indonesia là hơn 1,9 triệu Km2, còn Nigeria là gần 1 triệu km2.
Với diện tích và đặc biệt là quy mô dân số như trên, vấn đề lớn được được đặt ra là số vốn đầu tư cho hai thị trường này sẽ không hề nhỏ. Bởi, dẫn chứng trước đó, hai thị trường ngoại lớn nhất của Viettel là Tanzania và Myanmar với quy mô dân sô tương ứng là 50 triệu và 60 triệu dân, số vốn mà Viettel dự tính đầu tư cho hai thị trường này cũng thuộc dạng “khủng” nhất: gần 1 tỷ và khoảng 1,5 tỷ USD.
Trong khi đó, chiến lược của Viettel từ trước đến nay (gồm cả thị trường Việt Nam) là đầu tư xây dựng mạng lưới phủ sóng rộng khắp cả nước, thậm chí sẽ là hạ tầng hiện đại nhất tại thời điểm khai trương ở mỗi thị trường. Theo đó, ở các thị trường ngoại, Viettel đều cam kết phủ sóng 95% dân số bao gồm cả các vùng sâu, vùng xa nghèo nàn, lạc hậu, với công nghệ cao (triển khai cáp quang, băng rộng chứ không dùng viba) nhằm đảm bảo tốc độ đường truyền cũng như chất lượng dịch vụ.
Nếu tiếp tục chiến lược đầu tư trên, việc đáp ứng nhu cầu về hạ tầng cho số dân lên tới trên dưới 200 triệu người như ở Indonesia và Nigeria chắc chắn sẽ cần số vốn đầu tư sẽ khác rất nhiều so với số tiền “khủng” mà Viettel đã tính toán bỏ vào Tanzania và Myanmar.
Ngoài ra, chưa kể, quan điểm giải ngân vốn tại các thị trường nước ngoài của Viettel thường là trong vòng ba năm. Tuy nhiên, trong hai năm đầu, việc giải ngân gần như cơ bản đã bỏ hết, vì chiến lược đầu tư của nhà mạng là đầu tư hạ tầng trước, kinh doanh sau.
Một điểm khá đặc thù, như nhiều lần trước đây lãnh đạo Viettel chia sẻ với VnEconomy, là Viettel không bao giờ mang hết tiền túi của mình sang đầu tư, mà bằng uy tín của mình có thể vay ngân hàng, huy động thiết bị từ đối tác, mua chịu… để làm sao có lợi nhất, hiệu quả nhất cho mình.
Kế hoạch đầu tư vào Indonesia và Nigeria của Viettel dù vậy vẫn còn ở thì tương lai. Tại đại hội của Viettel Global, ngoài việc đề xuất đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương thực hiện dự án đầu tư vào Indonesia và Nigeria trong lĩnh vực viễn thông và lĩnh vực khác thuộc phạm vi ngành nghề kinh doanh của Viettel Global, Viettel Global còn đề xuất thông qua việc đầu tư vào các dự án nêu trên bằng phương thức đấu thầu giấy phép và/hoặc liên doanh, liên kết và/hoặc mua công ty hoặc một bằng một phương thức khác.
Đồng thời ủy quyền cho Hội đồng quản trị tổng công ty và giao cho Tổng giám đốc thực hiện, theo đó sẽ không không giới hạn ở việc thành lập công ty, khảo sát, thực hiện tính toán tổng mức đầu tư của dự án, phương án đầu tư cụ thể, lập dự án đầu tư, ký kết và thực hiện các thủ tục có liên quan để đầu tư vào Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Liên bang Nigeria.