Tp.HCM trong hơn 40 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy
mô kinh tế, là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, có tốc
độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước.
Phát biểu tại cuộc họp về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp.HCM đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù của Tp.HCM ngày 6/9, Thủ tướng lưu ý chủ trương chung là đẩy mạnh phân cấp giao quyền cho thành phố để “Trung ương không phải ôm nhiều việc của thành phố và thành phố cũng không phải ôm nhiều việc của các quận, huyện, sở, ngành”.
Chính sách cho Tp.HCM như địa phương khác
Theo Thủ tướng, cần phải xác định rõ nhiệm vụ gì có thể phân cấp, lĩnh vực nào cần quản lý tập trung thống nhất và đặc biệt lưu ý lĩnh vực tài chính ngân sách Nhà nước cần thực hiện nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất như thế nào. Làm sao thể hiện tinh thần thành phố vì cả nước, cả nước vì thành phố trong xác định vấn đề thuộc về tài chính, ngân sách này.
“Chúng ta xác định chia sẻ khó khăn chung của đất nước, dựa trên cơ sở nguyên tắc công bằng vì thành phố là nơi có trụ sở của nhiều doanh nghiệp lớn nộp thuế, hoạt động không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn ở các địa phương khác”, Thủ tướng nói.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Tp.HCM trong hơn 40 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước.
Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu. Hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách phát triển của Tp.HCM không khác gì so với các địa phương khác.
Lãnh đạo thành phố đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho Tp.HCM bao gồm 4 vấn đề chính là tăng cường phân cấp ủy quyền; tự chủ tài chính; trả lương theo năng suất, hiệu quả lao động; kiện toàn ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng Tp.HCM.
Về khó khăn, thách thức, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng có 2 điểm nổi lên là tăng trưởng của thành phố chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng quá tải, gây cản trở trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường ngày càng gay gắt.
“Bức thiết phải có cơ chế, chính sách vượt trội cho Tp.HCM, nếu không tốc độ phát triển của thành phố sẽ chậm lại”, Phó Thủ tướng nói và gợi ý thành phố nên tập trung làm một số đề án như đề án đưa Tp.HCM trở thành trung tâm tài chính, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở tại thành phố, phát triển công nghiệp văn hóa, đề án tái cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ...
Phân cấp tối đa cho thành phố
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành phố cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập mà “chúng ta không cố gắng vượt qua với sự phấn đấu, nỗ lực, quyết liệt sáng tạo của thành phố cùng với cơ chế, chính sách của Trung ương thì thành phố gặp khó khăn”.
Thủ tướng cho rằng phải tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần xác định thành phố còn dư địa phát triển lớn trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và cần thấy rõ hơn khoảng cách, trình độ phát triển còn thấp so với các thành phố lớn khác ở Đông Nam Á. Do đó, yêu cầu đối với thành phố là phải đổi mới, vươn lên mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng nhất trí cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển trên địa bàn, nhất là tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố tầm nhìn 2025 – 2030, trong đó cần quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả hơn. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các thể chế, chính sách để tăng cường phát triển vùng, liên kết vùng, trong đó tập trung vào liên kết hạ tầng.
“Tp.HCM phải nằm trong nhóm xếp hạng cao nhất, là đầu tàu về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần của Chính phủ là ủng hộ đẩy mạnh phân cấp ủy quyền theo hướng cho phép thành phố thực hiện một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phê duyệt một số dự án, điều chỉnh một số loại quy hoạch, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, của Chính phủ trên địa bàn.
Post a Comment