"Chính phủ không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, kể cả thuế môi trường xăng dầu, cải cách VAT, không điều chỉnh giá một số loại hàng hóa thiết yếu, dịch vụ công và không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể".

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, chiều 1/8.

Ổn định tỷ giá ở mức linh hoạt 2%

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng khẳng định, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Bốn mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm: Tăng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng. Tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp trong nhiều năm qua, khoảng 2,2%.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nền kinh tế còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro ngắn hạn, trước mắt, gồm các rủi ro thương mại, tiền tệ, rủi ro dòng vốn… nhất là xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và các chính sách thuế quan của Mỹ đối với các nước mà Mỹ nhập siêu, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ…

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, giữ đà cho tăng trưởng, không chỉ năm nay mà cả các năm 2019, 2020.

"Tinh thần lớn nhất vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ tốc độ tăng trưởng đảo chiều sau 2 năm đầy thử thách", Thủ tướng nói.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh cần ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017. Không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm. Việc gia tăng khối lượng, chất lượng tăng trưởng lúc này cần tập trung vào cả cung và cầu. Một mặt chú trọng hơn nữa thị trường xuất khẩu nhưng cũng cần quan tâm thỏa đáng hơn đến thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Xử nghiêm vi phạm về nhập phế liệu

Về vấn đề tiến độ cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu công khai danh sách địa phương chậm trễ và giao nhiệm vụ cho Tổ công tác của Thủ tướng trực tiếp làm việc, đôn đốc những địa phương có nhiều doanh nghiệp nhưng chậm trễ trong sắp xếp, cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt biên giới, ngăn chặn hiệu quả hàng công nghệ thấp ồ ạt vào Việt Nam.

Cho biết Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp về vấn đề nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương phân loại, giải tỏa hàng ngàn container phế thải đang nằm tại các cảng biển Việt Nam.

Đây là tồn đọng nhiều năm trước đây chứ không phải chỉ trong năm nay. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm, yêu cầu thanh tra việc cấp phép nhập khẩu rác thải, chất thải vào Việt Nam thời gian qua; hạn chế tối đa việc nhập phế liệu vào Việt Nam, trừ phế liệu hết sức cần thiết cho sản xuất.

"Việc này Chính phủ rất cương quyết. Nhập nhiều rác thải là kéo lùi sản xuất, đi lệch định hướng phát triển, đi ngược mục tiêu nâng cấp nền sản xuất của Việt Nam và gây nguy hại đến môi trường sống của người dân", Thủ tướng nói. Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương, các cấp, các ngành liên quan cần quán triệt chủ trương này.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng đã nhắc lại về các vi phạm nghiêm trọng trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa qua, gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhân dân. Thủ tướng cho biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc nhận trách nhiệm trước Chính phủ.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát lại hệ thống quản trị của ngành mình; Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, chính xác về kỳ thi này, không để dư luận hiểu sai lệch về công tác quản lý Nhà nước và kết quả chung của kỳ thi.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top