Chúng ta cứ để những công nghệ mới như 5G tự phát triển hay các chính phủ cần phải có hành động cụ thể hơn? Làm sao để hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp khác tự tin sử dụng các dịch vụ, công nghệ mới, bớt rủi ro hơn trong những bước ban đầu?

Hàng loạt câu hỏi trên đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra tại Hội nghị 5G và sự phát triển ASEAN số, sáng 22/3 - hội nghị đầu tiên của ASEAN về phát triển mạng 5G, theo sáng kiến của Việt Nam. Hội nghị với sự tham gia của bộ trưởng, các nhà quản lý về viễn thông của các nước ASEAN và các nước đối thoại, đại diện các tổ chức quốc tế, các tập đoàn hàng đầu về sản xuất và khai thác dịch vụ viễn thông.

Hội nghị 5G và sự phát triển ASEAN số đầu tiên này, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam không chỉ mang tính kỹ thuật, công nghệ như tên gọi mà còn rất ý nghĩa và quan trọng cho Việt Nam cũng như các nước ASEAN trong tương lai.

Ông cho rằng, 5G nghĩa là nhanh hơn về tốc độ, nhiều vấn đề được xử lý gần như theo thời gian thực. Đi cùng với đó là sự phát triển vượt bậc của công nghệ điện toán từ phần cứng như máy tính lượng tử, máy tính sinh học cho đến trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain, thế hệ internet mới… "Vậy liệu công nghệ 5G có làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất của thế giới hiện nay hay không?", ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi.

Cũng theo Phó thủ tướng, công nghệ 5G cộng với các công nghệ khác giúp cho các cá nhân tiếp cận thông tin nhanh hơn, phục vụ cho các nhu cầu sống, giải trí mà còn giúp mọi người sáng tạo tốt hơn. Và điều quan trọng nhất là giúp mỗi người thực sự là trung tâm của sự phát triển bền vững bằng sự sáng tạo cá nhân của mình. Các doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến tập đoàn đa quốc gia khi ứng dụng công nghệ 5G sẽ mang lại lợi nhuận lớn.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng, trong thời gian đầu triển khai công nghệ mới này chắc chắn sẽ có không ít khó khăn, rủi ro đối với các nhà cung cấp dịch vụ, cá nhân, tổ chức kinh tế… Theo ông, nếu tính chỉ đơn thuần về lợi nhuận thì chắc ít doanh nghiệp có lợi thế lợi ích trực tiếp khi đi đầu.

Ông cũng đặt vấn đề rằng việc các chính phủ cứ để các doanh nghiệp, các công nghệ mới như 5G tự phát triển hay cần phải hành động, chủ động hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm giảm bớt rủi ro hơn trong thời gian đầu.

Do vậy, ông Đam mong muốn, hội nghị sẽ bàn và đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho chính phủ các nước ASEAN để hỗ trợ công nghệ 5G phát triển trước hết là về sử dụng các tài nguyên như băng tần, chính sách khuyến khích giúp các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp sử dụng mạnh mẽ công nghệ 5G cũng như các công nghệ mới để thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững hơn.

"Qua hội nghị lần này không chỉ Chính phủ Việt Nam mà cả chính phủ các nước cũng sẽ nhận được các khuyến nghị cho riêng mình", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

ASEAN sẽ không đi sau thế giới về 5G

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng có bài phát biểu quan trọng về 5G.

"Sẽ không còn chuyện, có những nước ASEAN đi sau thế giới về 3G/4G 6-8 năm. Đây cũng là hội nghị đầu tiên, khi các nước ASEAN cùng nhau trên tinh thần: Làm việc cùng nhau và cùng nhau phát triển. Cùng nhau bàn bạc về lộ trình cho một công nghệ mới", ông nói.

Theo Bộ trưởng, công nghệ 2G là công nghệ điện thoại thuần tuý. Công nghệ 3G là nửa điện thoại, nửa data. Công nghệ 4G là thuần tuý data, nhưng là cho người với người. Công nghệ 5G là công nghệ data, nhưng là công nghệ đầu tiên được thiết kế cho kết nối vạn vật, với một loạt tính năng mới, như độ trễ thấp, tiêu thụ nguồn nhỏ.

Nhưng công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. 2G/3G/4G kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng ngàn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo, thay đổi cơ bản cuộc sống loài người khi vạn vật cất tiếng nói và giao tiếp như con người. Đây là sứ mạng của 5G, và sứ mạng ấy đặt lên vai ngành công nghệ thông tin của chúng ta.

5G sẽ tạo ra những thay đổi lớn. Đó là tăng dung lượng và tốc độ cho thông tin băng rộng; tạo kết nối cho vạn vật, IoT, nhất là các kết nối đòi hỏi phản ứng thời gian thực; thay đổi căn bản nhiều ngành công nghiệp (Vertical Industries), như các ngành công nghiệp sản xuất (Smart Factories), giao thông, y tế, nông nghiệp, thành phố thông minh; tạo ra một ngành công nghiệp mới, công nghiệp sản xuất hàng ngàn tỷ thiết bị, sensors, cũng như kích hoạt đổi mới sáng tạo trong hầu hết các ngành; và cuối cùng, tạo ra sự kết nối không giới hạn cho tất cả.

"Mỗi nước sẽ chọn cho mình một thứ tự ưu tiên riêng để ứng dụng 5G. Nhưng xét về trung hạn và dài hạn thì tất cả chúng ta sẽ thực hiện đủ cả những ứng dụng trên của 5G", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng, khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra, khi một công nghệ mới như 5G xuất hiện thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước ASEAN chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và trong cách tiếp cận.

Do vậy theo ông, hội nghị về 5G lần này cũng là để bàn về cách tiếp cận của ASEAN. Đây là hội nghị đầu tiên và Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo tiếp theo để ASEAN luôn đi cùng nhau, luôn chia sẻ cùng nhau.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top