Tại cuộc họp về vấn đề xuất nhập khẩu thực phẩm do Jetro tổ chức ngày 20/3/2019 tại Tp.HCM, đại diện Jetro cho biết, một số doanh nghiệp Nhật Bản phản ảnh họ vẫn gặp nhiều khó khăn về thủ tục trong hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm.
Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 14/2015/TT-BTC dù không có quy định về số lượng mẫu mà cơ quan hải quan sẽ lấy nhưng trên thực tế cơ quan hải quan vẫn đang lấy ít nhất là 2 bộ mẫu.
Vẫn không hài lòng về thủ tục hải quan
Khi lấy mẫu, doanh nghiệp, bộ chủ quản và cơ quan hải quan cùng ký vào bản ghi nhớ, theo đó trong vòng 120 ngày sau khi ban hành thông báo về kết quả phân loại mã HS mẫu sẽ được trả lại. Song như phản ánh của một số doanh nghiệp Nhật Bản, dù các quy định có ghi rõ trong các văn bản nhưng thực tế vẫn có nhiều vụ việc không tuân thủ quy định.
Như, doanh nghiệp không được giao biên bản ghi nhớ hay không được trả lại mẫu. Thêm vào đó, có những trường hợp lấy mẫu với lượng nhiều hơn mức cần thiết và lấy mẫu ở bộ phận có giá trị lớn, tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp nhập khẩu. Theo kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản, cần đảm bảo tính minh bạch của việc lấy mẫu.
Một vấn đề liên quan tới hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp vào thị trường Việt Nam cũng được các doanh nghiệp Nhật kêu còn gặp nhiều khó khăn. Đó là tại thời điểm thông quan, phía hải quan không chấp nhận giá mà doanh nghiệp nhập khẩu khai báo, yêu cầu tham vấn giá để sửa đổi giá khai thuế. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp kiến nghị rằng, muốn được phía hải quan thông báo bằng văn bản cụ thể về việc không chấp nhận giá mà doanh nghiệp khai báo.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhật còn phản ánh rằng doanh nghiệp phải đợi rất lâu để có được ý kiến định giá của cơ quan hải quan, từ đó mới có thể kiến nghị lên cơ quan cấp cao hơn nếu không chấp nhận mức giá cơ quan hải quan đưa ra. Rất cần sự hỗ trợ cho doanh nghiệp đem hàng về kho trong thời gian giải quyết việc tham vấn giá, tránh để hàng ở cảng quá lâu, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.
Trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Đào Duy Tám, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, theo quy định, trong thời hạn 5 ngày sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan hải quan sẽ ra thông báo cho doanh nghiệp về quyết định tham vấn giá thì doanh nghiệp vẫn được cơ quan hải quan cho giải phóng hàng. Cũng theo quy định, sau 5 ngày mà cơ quan hải quan chưa có quyết định tham vấn mà không có thông báo thì xem như cơ quan hải quan chấp nhận mức giá doanh nghiệp khai báo.
Đối với các trường hợp thuộc diện tham vấn giá, ở trường hợp thứ nhất là doanh nghiệp được đưa hàng về bảo quản thì có nghĩa là doanh nghiệp không được phép tiêu thụ. Còn trường hợp thứ 2 là doanh nghiệp được giải phóng hàng sẽ áp dụng trong 2 trường hợp cụ thể: Một là, chờ tham vấn để xác định trị giá, và trường hợp 2 là chờ để phân tích phân loại mã số HS.
Còn trường hợp thứ 3 là thông quan hàng hóa đã hoàn thành tất cả các thủ tục hải quan; trong đó, doanh nghiệp sẽ nộp thuế theo thuế suất mà doanh nghiệp đã kê khai giá và trị giá đã kê khai với cơ quan hải quan...
Cần rút ngắn thời gian kiểm định
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đặt ra giả thuyết về kết quả phân tích kiểm định chất lượng hàng hóa khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật đang lo ngại về sự chênh lệch kết quả kiểm định giữa các cơ sở kiểm định thành phần, ảnh hưởng đến việc công bố chất lượng của doanh nghiệp đối với hàng hóa. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Việt Nam cần có phương án để rút ngắn thời gian phân tích ra kết quả. Hiện, doanh nghiệp phải chờ trên 7 ngày mới có kết quả.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đã chỉ định 22 cơ sở kiểm định thực phẩm, danh sách có đăng trên web của bộ. Danh sách cũng cập nhật theo từng tháng.
Theo chia sẻ của ông Thắng, về mặt chuyên môn, sự khác biệt giữa kết quả kiểm định là phụ thuộc năng lực của cơ sở lấy mẫu kiểm định. Mỗi một cơ sở có điều kiện, trang thiết bị, con người khác nhau. Vì vậy, thông thường là các cơ sở kiểm định chuẩn hoá tiêu chuẩn theo điều kiện, năng lực cơ sở kiểm nghiệm của họ.
Về khía cạnh quản lý nhà nước, từ 2018 trở đi, Bộ Công Thương chỉ đạo sẽ tiến hành triển khai kiểm tra định kỳ các cơ sở kiểm định mà do bộ chỉ định có đủ năng lực phục vụ. Mục đích của việc này là để đánh giá việc duy trì năng lực của các cơ sở này. Và yêu cầu các cơ sở này phải đảm bảo chất lượng kiểm định. Trong tương lai, có thể sẽ sử dụng những phương pháp như sử dụng mẫu thử để khẳng định năng lực và dự kiến cả phương án cho liên thông các kết quả thử nghiệm để rút ngắn thời gian thử nghiệm và sự chênh lệch về kết quả.
Để giải quyết câu chuyện khác biệt về kết quả kiểm định, một trong những giải pháp mà Bộ Công Thương có thể khuyến cáo các cơ sở kiểm định là, các cơ sở kiểm định khi có số lượng mẫu quá nhiều mà nhân sự và thiết bị không đáp ứng được thì phải có giải pháp như từ chối khách hàng, còn nếu nhận là phải đáp ứng tốt. Thường xuyên đưa người đi đào tạo để nâng cao tay nghề. Tiến hành đầu tư các phòng thí nghiệm đặc biệt nằm trong đề án về khoa học - công nghệ. Thường xuyên cập nhật phương pháp phân tích trên thế giới để thay thế phương pháp hiện tại nhằm giảm bớt thời gian chờ đợi.
Ngay cả với phía cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, việc rút lại thời gian phân tích cũng là một điều trăn trở. Bởi, kết quả kiểm định là cơ sở để lực lượng quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng hóa trên thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, và có thể giải quyết các vụ việc tránh tồn đọng kéo dài.
Post a Comment