Bộ Công Thương mới đây có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp thực hiện giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc chỉ đạo triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ, đề án, dự án trọng điểm, cấp bách.

11/13 dự án lỗ, nguy cơ lỗ

Theo báo cáo, hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) có 13 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Trong đó 11/13 dự án phần lớn thực hiện trong giai đoạn 2009-2012 đã thua lỗ hoặc đối mặt với nguy cơ lỗ.

Điển hình trong số đó là dự án đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí ở Venezuela với dự án Junin 2. Chủ đầu tư của dự án là Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP, công ty con của Petro Vietnam), nắm 40%, Tổng công ty Dầu khí Venezuela cũng nắm 40%, PDVSA nắm 60%. Tổng mức đầu tư của dự án theo giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 398 ngày 29/10/2010 là 1,825 tỷ USD (cho giai đoạn 1 từ 2010 - 2025).

"Hiện dự án đang tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo thông báo số 431/TB-VPCP ngày 2/12/2013", văn bản nêu.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo Petro Vietnam thực hiện theo Thông báo số 431 của Văn phòng Chính phủ.

Dự án phát triển mỏ Junin 2 tại Venezuela thời điểm đó được các bên đánh giá là dự án phát triển khai thác dầu khí khổng lồ với trữ lượng dầu khí rất lớn. Theo thỏa thuận, dự án được khai thác trong vòng 25 năm và có thể gia hạn.

Báo cáo cũng chỉ ra một loạt dự án của Petro Vietnam ở Peru đang chờ chuyển nhượng cho đối tác khác. Đó là lô 67 và lô 39. Dự án lô PM 304 (Malaysia) cũng đang được kiến nghị chuyển nhượng 15% vốn góp của Petro Vietnam.

Các dự án thăm dò thẩm lượng (8 dự án) cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, tại dự án lô Nagumanov (Nga), Petro Vietnam tham gia với tỷ lệ vốn góp 49% trong Công ty TNHH Gazpromviet - GPV để nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí tại Nga và các nước thứ ba.

Tháng 4/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng nêu rõ việc chưa đồng ý cho Petro Vietnam rút khỏi Công ty này vào thời điểm hiện nay. Tháng 10/2017, Thủ tướng Chính phủ có công văn chấp thuận về phương thức tiếp tục tham gia của tập đoàn trong Công ty TNHH Gazpromviet.

Việc thăm dò lô Marine XI (Conggo) cũng đang gặp khó khăn phải chuyển nhượng vốn góp. Dự án này PVEP chỉ tham gia 8,5% và gánh vốn cho công ty nước chủ nhà 1,5% trong giai đoạn thăm dò, với mục tiêu thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí trong diện tích của lô.

Tháng 7/2017 Bộ Dầu Công-gô đã phê duyệt chuyển nhượng. Hai bên đang gấp rút hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng và PVEP đóng pháp nhân tại Công-gô tuy nhiên đang gặp khó khăn về minh giải điều khoản Quyền ưu tiên mua trước trong JOA.

Dự án nghiên cứu thăm dò lô Danan (Iran), PVEP góp vốn 82,07 triệu USD và đang xin tạm dừng/giãn tiến độ; lô M2 (Myanmar) dừng vì rủi ro; lô XV (Campuchia) góp vốn 72,46 triệu USD đang chuyển nhượng vốn góp; lô MD2, lô MD4 (Myanmar) chưa rõ hiệu quả.

Hai dự án đem tiền về nước

Trong tổng số 13 dự án chỉ có 2 dự án hiệu quả, có dòng tiền chuyển về nước. Đó là lô Nhenhexky góp vốn đầu tư 533,22 triệu USD (Nga) và lô 433a&416b (Algeria) góp vốn 1,26 tỷ USD.

Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ, tại lô Nhenhexky, Petro Vietnam tham gia 49% trong Công ty liên doanh Rusvietpetro để tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí 4 lô. Tính đến hết tháng 7/2018, Petro Vietnam đã nhận được số tiền Rusvietpetro chuyển trả là hơn 877 triệu USD. Trong khi vốn góp thực tế của tập đoàn vào công ty này là hơn 533 triệu USD. Như vậy, số vốn góp trực tiếp của Petro Vietnam đã được thu hồi đầy đủ và nhận được thêm hơn 344 triệu USD.

Còn dự án lô 433a&416b (Algeria), Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí tham gia đóng góp hơn 1,2 tỷ USD. Bộ Công Thương cho hay với giá dầu hiện nay dự án đang khai thác có doanh thu và dòng tiền chuyển về nước.

Theo thống kê, tổng vốn đầu tư đăng ký các dự án đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay lên tới 12,6 tỷ USD. Trong đó, Petro Vietnam có số vốn đăng ký lớn nhất với trên 6,6 tỷ USD, chiếm hơn một nửa vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước; đứng thứ hai là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với hơn 2,1 tỷ USD, chiếm 17%; thứ ba là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với hơn 1,4 tỷ USD.

Trong tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 12,6 tỷ USD thì các doanh nghiệp đã giải ngân hơn một nửa.

Cụ thể, đến hết 2016, các doanh nghiệp nhà nước đã mang 7 tỷ USD đi đầu tư ở nước ngoài. Trong đó, Petro Vietnam nhiều nhất với hơn 3,4 tỷ USD.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top