Quản trị thị trường tài chính là chủ đề phiên thảo luận thứ nhất của Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2019, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức trong đó tập trung đề cập và bàn thảo những điều kiện căn bản thúc đẩy sự bứt phá của kinh tế Việt Nam năm 2019 và những năm tiếp theo.

Hội thảo Kinh tế thường niên lần thứ 12 này với chủ đề "Bứt phá từ các động lực tăng trưởng", gồm 2 phiên thảo luận chính: phiên 1 về thị trường tài chính tiền tệ, và phiên 2 "Sức bật 2019 nhìn từ khu vực kinh tế tư nhân".

2019: Tổng cầu tăng khá, GDP có thể đạt 6,9-7,0%

Mở đầu hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu phát biểu: cho đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên đầy đủ của hầu hết các định chế tài chính quốc tế lớn như: Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ký kết trên 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, trên 60 hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thu nhập, trên 90 hiệp định thương mại song phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới hơn 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ... Ông nhấn mạnh: "Để tận dụng hiệu quả các lợi thế cũng như các cơ hội mà hội nhập kinh tế mang lại, phát triển doanh nghiệp được Việt Nam xác định là một trong những trọng tâm cần thúc đẩy, đi kèm với đó là hoàn thiện thể chế cho các hoạt động này nhằm tạo ra các bứt phá phát triển từ cơ hội và vị thế mới đem lại".

Tại phiên thảo luận thứ nhất, các nhóm vấn đề được bàn thảo thu hút sự quan tâm, bao gồm: quản trị minh bạch, hạn mức tín dụng 14%, vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng thương mại và những yếu tố tác động từ bối cảnh thế giới, các chính sách phát triển của Việt Nam đến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước.

Mở đầu phiên thảo luận, TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nêu lên một số nhận định về tình hình thế giới và trong nước năm 2018, và cho biết: năm 2018, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại trong khi kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những thành quả khả quan.

Điều hành phiên thảo luận, ông Nguyễn Xuân Thành, cán bộ nghiên cứu cao cấp Trường Harvard Kennedy đồng thời là giảng viên chính sách công Trường ĐH Fullbright Việt Nam, nêu đề dẫn: về thị trường tài chính năm 2019, các kỳ vọng cùng những tính toán của cộng đồng doanh nhân đều dựa vào sự điều hành chính sách vĩ mô của Ngân hàng nhà nước. 

Vậy thì trước tình hình diễn biến trong 2 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước có những điều chỉnh gì thêm hay không? Trả lời câu hỏi này, TS. Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết: tình hình từ đầu năm 2019 đến nay tăng trưởng tín dụng khá ổn định, tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2018. Về thanh khoản thị trường vẫn khá ổn định. 

Lấy ví dụ, trước Tết Kỷ Hợi, Ngân hàng Nhà nước có bung tiền ra, tuy nhiên sau đó số dư cho vay tín dụng đã giảm nhanh và đến hiện tại thì còn rất nhỏ, do đó có thể yên tâm về mặt thanh khoản. Về dòng vốn, từ tháng 12 năm 2018 dòng vốn bắt đầu quay trở lại, các ngân hàng thương mại bắt đầu bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước và vẫn tiếp tục đà này cho đến thời điểm hiện tại. 

Lãi suất huy động vốn các ngân hàng đang có kế hoạch giảm tuy trước Tết có tăng. Các cân đối vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp tương tự như năm 2018, tình hình tín dụng vẫn đang phù hợp với mục tiêu chung của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản tốt, tỷ giá ổn định. Đặc biệt tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục cắt giảm, chỉ có xuất khẩu và vay ngắn hạn thì được vay ngoại tệ theo tinh thần Thông tư 42.

Theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế vĩ mô có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng tín dụng. Thông thường khi đề cập đến tăng trưởng kinh tế người ta thường nghĩ đến sự tăng trưởng tín dụng tương ứng để hỗ trợ sản xuất. Song thực tế những năm 2015–2017, tăng trưởng tín dụng tăng 14 – 16% tạo ra nhiều rủi ro gây lo ngại cho các tổ chức quốc tế. Sau đó chúng ta đã giảm tốc tăng trưởng tín dụng (mục tiêu 17%, tăng trưởng 14%) trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn cao. Điều này có nghĩa, tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải đi kèm với tăng trưởng tín dụng. 

Cùng quan điểm với ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch cũng nhận định: Minh chứng rõ ràng nhất là tăng trưởng kinh tế năm 2018 không còn phụ thuộc vào tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho năm 2018 dưới 15%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng hơn 18% của năm 2017; tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhất 1 năm qua.

Quản trị rủi ro thị trường tín dụng

Vấn đề đặt ra là, vậy thì dưới góc độ nhà kinh doanh, các ngân hàng thương mại làm gì để phát triển các sản phẩm tín dụng, bởi nếu không phát triển tín dụng thì các doanh nghiệp sẽ gặp khó trong vốn vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh, gây tác động đến tăng trưởng nền kinh tế?

Trả lời cho câu hỏi trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) chia sẻ: sản phẩm tín dụng là sản phẩm kinh doanh chính của các ngân hàng thương mại. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước giảm tốc tăng trưởng tín dụng là khác, ngược với ngành tín dụng của các ngân hàng. Kinh doanh thì luôn phải mở rộng sản phẩm, quy mô thị phần song với đặc thù ngành ngân hàng, chúng tôi không được mở rộng quy mô theo cách tự nhiên mà chịu sự giám sát và điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước. 

Tuy nhiên, "những người làm chính sách vĩ mô có cái lý riêng và có những tác dụng khác nhau trong trường hợp này là chủ trương giảm tốc tăng trưởng tín dụng (trần tín dụng) vì mục tiêu chung. Các ngân hàng thương mại có những cách xoay xở trong chiến lược kinh doanh, trong đó có việc áp dụng hệ thống quản lý rủi ro mà OCB đã áp dụng thành công cách nay hơn 4 năm", ông Tùng nói. 

Một trong những cách xoay xở để phát triển kinh doanh mà vẫn bảo đảm tuân thủ quy định trần mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, theo ông Tùng đó là trái phiếu doanh nghiệp phát hành trực tiếp cho các khách hàng lẻ, và tăng vốn bằng cách bán cổ phiếu ngân hàng cho các nhà đầu tư mà OCB đang triển khai.

Tiếp tục bình luận về trần chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank (VCB), cho biết: năm 2018 VCB đã đạt doanh thu 18.000 tỷ đồng lợi nhuận và dự báo năm 2019 con số này sẽ còn cao hơn, gồm có cả mục tiêu tăng trưởng tín dụng. 

Tuy nhiên, mức trần tín dụng 14% (thấp hơn 1% so với năm 2018) sẽ gây khó khăn cho một ngân hàng có doanh số lớn như VCB. Bởi vậy, để có thể đạt được các chỉ tiêu, VCB chúng tôi đang tiếp tục áp dụng các gói sản phẩm đã đạt kết quả kinh doanh tốt trong năm 2018. Song song, năm 2019 sẽ đẩy mạnh phát triển ngân hàng số nhằm giúp gia tăng hoạt động ngân hàng. 

Ông nói: so với các ngân hàng thương mại khác, VCB có số lượng khách hàng và điểm giao dịch ít hơn (16.000 khách hàng, 534 phòng giao dịch-điểm chi nhánh). Vì vậy chúng tôi đang gia tăng ngân hàng số nhằm tạo thuận lợi hơn và phát triển số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ, cũng như phù hợp với xu thế phát triển chung. 

"Con số chỉ tiêu 14% trần tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng, để đạt được là không khó. Cái khó là quản trị rủi ro. Tuy nhiên, năm 2018 vừa qua, theo tinh thần Thông tư 41, Ngân hàng Nhà nước đã công bố VCB là một trong ba ngân hàng đạt chuẩn mực Basel II (chuẩn quản lý rủi ro tín dụng) nên có thể được "nới trần" tăng trưởng tín dụng hơn 14% theo quy định chung, so với các ngân hàng không đạt chuẩn Basel II", ông Tuấn lạc quan.

Thông điệp "Bứt phá" đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh trong các chỉ đạo tới các cấp bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp; đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp tới hơn 43% GDP với mong muốn khu vực này sẽ đóng góp tới 60% GDP vào năm 2030. Bứt phá thể hiện tốc độ vượt lên. Bứt phá từ các động lực tăng trưởng 2019 đã giúp chỉ ra các cơ hội bên cạnh thách thức nhằm giữ vững tăng trưởng năm cũ, làm chủ hiện tại và tự tin đặt chân vào những năm tiếp theo.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top