Việc sửa luật lần này sẽ mở đường cho các đơn vị được kiểm toán có thể khiếu nại hoặc kiện Kiểm toán Nhà nước ra toà.

Đó là thông tin được Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh khi trình bày tờ trình dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 tại phiên họp sáng 11/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 mới có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần thiết phải sửa, do nhiều vấn đề mới phát sinh cần phải giải quyết. Một số quy định bộc lộ những bất cập hợp lý cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, như phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật Kiểm toán Nhà nước với các luật khác có liên quan.

Sửa luật còn để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra, làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, tổ chức liên quan..., ông Phớc cho biết.

Mở đường khiếu nại

Về nội dung sửa đổi, Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, để tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân (là đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức có liên quan) đều có quyền khiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán, cần sửa đổi lại điều 7 theo hướng bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có ỉiên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công.

Theo đó, khoản 2 điều 7 được sửa đổi, bổ sung:

"2. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là căn cứ để:

d) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại."

Mặt khác, để bảo đảm sư thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan khác, như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Luật Tố tụng hành chính, đồng thời tạo điều kiện để nguời nộp thuế thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luât, kịp thời tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn giải quyết khiếu nại, kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung khoản 6 điều 14 theo hướng thêm thẩm quyền của Tổng kiểm toán Nhà nước: "Quyết định việc niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan, ra quyết định về việc phải nộp ngân sách nhà nước của tổ chức, cá nhân có liên quan theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước".

Chỉ đồng tình 5/18 nội dung

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ đồng tình với 5/18 nội dung sửa đổi, bổ sung. Hai nội dung đề nghị chỉnh sửa lại, 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến chưa đồng tình vì không thực sự cần thiết hoặc chưa đảm bảo công bằng.

Hơn nữa, nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung thể hiện trong dự thảo luật chưa được sự đồng tình của các bộ, ngành liên quan, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Một số ý kiến đề nghị trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội chưa xem xét sửa đổi bổ sung luật, cơ quan thẩm tra phản ánh.

Liên quan đến quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán, Chủ nhiệm Hải cho biết Thường trực Uỷ ban thống nhất với việc bổ sung quy định này nhằm bao quát toàn diện quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Tuy nhiên, việc quy định "cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện quyền khiếu nại..." là mở quá rộng so với phạm vi được quyền khiếu nại, chưa chặt chẽ. Đề nghị quy định theo hướng "đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán...".

Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cũng cho rằng việc bổ sung quy định thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước trong xác minh, hồ sơ, tài liệu để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là không thực sự cần thiết. Vì khoản 2 điều 42 và điều 62 Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định thẩm quyền, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Một nội dung đáng chú ý khác là dự thảo luật bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc vì theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quản lý hành chính ở lĩnh vực nào thì có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực đó, trong khi Kiểm toán Nhà nước không phải là cơ quan quản lý hành chính.

Lập luận này của cơ quan thẩm tra chưa thực sự thuyết phục, theo một số ý kiến thảo luận.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top