Tai nạn giao thông nhức nhối như hiện nay đầu tiên là phải nói đến trách nhiệm quản lý nhà nước, tất cả các khâu đều không nghiêm, chuyên gia Nguyễn Đình Quyền khẳng định.
Phát biểu tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 6/3, ông Quyền "vào đề" rằng "tôi nói sẽ khách quan hơn vì tôi về hưu đã được 5 tháng rồi".
Trước khi về hưu ông Quyền là Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trước nữa là Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.
Qua 12 năm tình hình vẫn thế
Ông Quyền nói rằng, từ 2007 khi còn công tác tại Uỷ ban Tư pháp, ông đã nhận xét báo cáo hàng năm của Chính phủ về an toàn giao thông coi nhẹ nội dung về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm an toàn giao thông, chỉ đề cập mấy dòng thôi. "Nhận thức có vấn đề, coi nhẹ vấn đề này", ông Quyền nhận xét.
Từ nhận thức này, theo ông Quyền, báo cáo không phản ánh được chính xác các vụ vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật an toàn giao thông.
Nhiều người nói vẫn là người Việt tại sao ra nước ngoài lại chấp hành tốt, vì ở Việt Nam không đánh giá được trách nhiệm trong quản lý nhà nước, việc xử lý còn quá nhiều vấn đề, điều này tôi nói từ 2007 đến nay tôi về hưu rồi vẫn thế, ông Quyền nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này khẳng định, quản lý nhà nước từ sát hạch cấp bằng cho đến khám sức khoẻ, rồi cho doanh nghiệp vận tải không đủ điều kiện hoạt động... tất tần tật đều không nghiêm. Vì thế mới có chuyện một xe vi phạm đi từ Lạng Sơn đến Cà Mau qua bao nhiêu chỗ kiểm tra kiểm soát thì đến tận Cà Mau vi phạm mới được phát hiện.
Nguyên nhân là bộ máy không nghiêm minh, cứ nói thế nọ thế kia nhưng tất cả đều không nghiêm, ông Quyền nhận xét.
Về xử lý tội phạm, ông Quyền cho rằng cũng lỏng lẻo, "từ giám định đến xác định tội danh đến khung hình phạt đều lỏng lẻo nên người ta đâu có sợ".
Nếu trách nhiệm không được xử lý thì thực trạng mãi mãi thế này thôi, phải xem xét từ người làm sai trong bộ máy xong mới nói đến ý thức của dân, ông Quyền đề nghị.
"Chúng tôi rất thấm thía"
Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể tiếp thu toàn bộ các góp ý và khẳng định thời gian qua đã rất nỗ lực. "Nhưng với nhiều điều kiện khác nhau, mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở từng lĩnh vực cũng có khác, do đó mong các đồng chí thông cảm", ông Thể nói.
"Chúng tôi thấy việc này thực hiện tốt phải cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ không riêng gì Bộ Giao thông hay Bộ Công an, phải có nhận thức chung trong chỉ đạo mới hiệu quả", Bộ trưởng nói tiếp.
Đi vào những ý kiến cụ thể được nêu tại phiên giải trình, ông Thể nói: "về vấn đề thể chế, chúng tôi rất thấm thía, các đồng chí đề xuất chúng tôi rất đồng tình, hiện nay một số luật, nghị định và quy định của chúng ta chưa đảm bảo sức răn đe".
Theo Bộ trưởng, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải và Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, và theo chỉ đạo, một số vụ liên quan đến tai nạn giao thông cũng phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ trưởng cũng khẳng định kiên quyết xử lý các điểm đen về giao thông. Trong năm 2018 đã xử lý hơn 200 điểm đen. Năm 2019, theo số liệu của Tổng cục Đường bộ chỉ còn 44 điểm đen sẽ tập trung xử lý 44 điểm đó và 160 điểm tiềm ẩn nguy cơ là điểm đen.
Liên quan đến quản lý các doanh nghiệp vận tải mà nhiều ý kiến cho rằng còn lỏng lẻo, Bộ trưởng cho biết đang đi theo hướng quy trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải. Theo đó, tất cả các lái xe vi phạm thì phải xử lý nghiêm doanh nghiệp hoặc chủ phương tiện giao phương tiện cho lái xe.
"Lái xe chỉ là người làm công. Hồi nào tới giờ chúng ta đi theo hướng chỉ xử lý lái xe nhưng tới đây chúng tôi đi theo hướng xử lý nghiêm từ gốc, tức là các doanh nghiệp, chủ phương tiện và trách nhiệm liên đới. Như Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nói, vụ lái xe container gây tai nạn ở Long An sẽ xử lý hình sự lái xe và vận dụng để xử lý doanh nghiệp. Tôi nghĩ nếu chúng ta hoàn chỉnh được thể chế, bảo đảm nghiêm minh thì chỉ cần làm vài vụ thôi, ý thức xã hội sẽ không như hiện nay", Bộ trưởng phát biểu.
Post a Comment