Việt Nam buộc phải có các trug tâm đổi mới sáng tạo ở trình độ thế giới để dẫn dắt nền kinh tế trong cuộc đua kinh tế - công nghệ toàn cầu.

Đó là thông tin được Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh tại hội thảo kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: cơ hội và thách thức tận dụng cơ hội, do CIEM tổ chức sáng 1/3.

Theo Viện trưởng CIEM, Việt Nam là một nước thu nhập trung bình thấp, đang nỗ lực thực hiện công nghiệp hoá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó khoa học công nghệ luôn được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, Việt Nam sớm tiếp cận và có chính sách thúc đẩy Việt Nam tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.

Các ngành công nghiệp mới của cách mạng 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các ngành khác nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và phát triển dịch vụ mới.

Theo dự báo doanh thu của ngành thương mại điện tử năm 2030 đạt khoảng 40 tỷ USD; AL: 420 triệu USD; điện toán đám mây: 2,2 tỷ USD; gọi xe công nghệ: 2,2 tỷ USD; Nông nghiệp thông minh: 1,7 USD…

Điều đó cho thấy, tầm quan trọng của công nghiệp ICT trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong tương lai, ông Cung nói.

Viện trưởng CIEM cũng cho biết, nghiên cứu của viện này cho thấy, so với kịch bản chỉ có cải cách kinh tế (không thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0) cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 28,5 tỷ USD- 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng 7-16% GDP năm 2030, tuỳ theo từng kịch bản (cao, thấp, trung bình). GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315 USD- 640 USD/ người vào năm 2030 nhờ tăng năng suất và tăng việc làm.

Theo đó, tăng trưởng sản xuất nhờ cách mạng công nghệ 4.0 tạo ra việc làm mới với mức tăng thuần ước tính 1,3 triệu- 3,1 triệu việc làm, một số công việc sẽ giảm đi trong khi đó nhiều công việc mới được tạo ra.

Tuy nhiên, nghiên cứu của CIEM cho thấy, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu: nhỏ lẻ, phân tán, thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho các công ty khởi nghiệp như kết nối internet, phòng thí nghiệm R&D, trung tâm dữ liệu để truy cập thông tin ở Việt Nam và trên toàn cầu.

Việt Nam cũng chưa có một hệ thống hỗ trợ kinh doanh tích hợp đầy đủ để hỗ trợ hậu cần, cuộc sống người lao động, và dịch vụ công một cửa cung cấp dịch vụ công nhanh hơn và đơn giản hơn...

"Thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam nhìn chung chưa phù hợp với đổi mới sáng tạo. Pháp luật về kinh doanh chậm thay đổi tước các xu hướng công nghệ và thị trường", nghiên cứu của CIEM nêu rõ.

Tại hội thảo, đại diện CIEM cũng nêu một số kiến nghị chính sách với quan điểm cải cách thể chế, chuyển đổi bộ máy nhà nước sang kinh tế số cả về tư duy quản lý và công cụ quản lý là điều kiện tiên quyết cho thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.

Trong kiến nghị phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, CIEM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xúc tiến, hỗ trợ thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo chất lượng cao, quy mô lớn để nuôi dưỡng và phát triển startup.

Thông tin sơ bộ về đề án thành lập trung tâm đổi mới, sáng tạo Quốc gia, ông Cung nói đây là nơi thí điểm thực hiện các chính sách mới của chính phủ, thu hút mạng lưới nhân tài Việt ở trong nước và nước ngoài. Hỗ trợ lẫn nhau, hình thành một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Viện trưởng Cung cũng cho rằng Chính phủ cần tạo ra cho trung tâm này một thể chế vượt trội hoàn toàn để có thể tự do sáng tạo, không bị ràng buộc bởi thủ tục hành chính hay những quy định hiện hành.

Trung tâm sẽ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp được quản lý bởi những CEO giỏi (có thể đi thuê) với mức lương cạnh tranh, ông Cung nói.

Với sự nhất trí đồng hành của các bộ ngành liên quan với đề án này, ông Cung cho biết đầu tuần tới đề án sẽ trình Chính phủ. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top