Sáng 6/3 Uỷ ban Tư pháp Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019.

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh mỗi năm vẫn có trên 8.000 người chết vì tai nạn giao thông, trung bình mỗi ngày có 23 người sáng ra khỏi nhà chiều mãi mãi không về.

Không phải tìm lỗi mà cùng chung tay

Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, cần đánh giá chính xác, khách quan và toàn diện, đánh giá đúng tình hình tai nạn giao thông, kết quả điều tra, tuy tố, xét xử, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong các trường hợp chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Một phiên giải trình này không hy vọng giải quyết hết các vấn đề mà chủ đề phiên giải trình đặt ra, song Uỷ ban Tư pháp mong muốn chung tay với Chính phủ tìm giải pháp cải thiện tình hình hiện nay, bà Nga nói.

Chủ nhiệm Nga cũng cho biết, khi quyết định tổ chức phiên giải trình này cũng có một số ý kiến ngần ngại, cho đây là vấn đề nhạy cảm, Chính phủ cũng đã rất cố gắng rồi, nhưng quan điểm của Uỷ ban Tư pháp không phải đi tìm lỗi mà cùng chung tay xem có cách gì giải quyết tốt hơn tình trạng hiện nay được không.

Chúng tôi luôn trăn trở một câu hỏi nếu đặt trong khung khổ pháp luật hiện nay chưa cần đầu tư về tiền bạc lớn hơn nữa liệu có giải pháp gì để chặn đứng tai nạn giao thông được không, bà Nga nói.

Và, theo người đứng đầu Uỷ ban Tư pháp thì giải pháp hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào việc tìm đúng nguyên nhân, nếu do tổ chức thực hiện thì nên chấn chỉnh, siết chặt quản lý hơn nữa.

"Chất vấn" về bảo kê, lái xe dùng ma tuý

Tổng hợp các nội dung yêu cầu giải trình, nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp khẳng định tình hình vi phạm về pháp luật về trật tự an toàn vẫn diễn biến rất phức tạp; số người chết và số người bị thương tuy có giảm những vẫn rất nghiêm trọng, tai nạn giao thônng đường bộ và đường sắt trong năm 2018 làm 8.190 người chết; 14.792 người bị thương.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng đề nghị các bộ liên quan giải trình rất nhiều vấn đề cụ thể.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải được đề nghị giải trình về một số hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên; chưa chọn đúng, trúng vấn đề bất cập trong thực tiễn để thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nên hiệu quả chưa cao.

Ví dụ, công tác kiểm tra việc thu phí tại Trạm thu phí Dầu Giây chỉ được thực hiện sau khi xảy ra vụ cướp tại trạm này và dư luận hoài nghi về tính chính xác của số tiền thu phí hàng ngày; nhiều vi phạm chỉ được tiến hành thanh tra sau khi đã xảy ra tai nạn giao thông hoặc báo chí, dư luận phản ánh.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ. Ví dụ: vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ, 7 cán bộ thanh tra thỏa thuận với một số doanh nghiệp, nhà xe để không bắt hoặc bắt nhưng phạt với các lỗi nhẹ khi vi phạm luật giao thông; hàng tháng hoặc mỗi lần vi phạm, các doanh nghiệp và cá nhân giao nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các cán bộ thanh tra giao thông, với số tiền ít nhất là 1 triệu đồng/tháng, nhiều nhất là 28 triệu đồng/tháng.

Với Bộ Công an, một trong những vấn đề được yêu cầu giải trình là từ lâu dư luận đã phản ánh tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy, song công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này. Chỉ đến khi xảy ra các vụ đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma túy, gây bức xúc trong dư luận thì việc kiểm tra tình trạng này mới được chú trọng.

Tình trạng lái xe sử dụng ma túy, chất gây nghiện đang là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải cần khẩn trương phối hợp với Bộ Y tế để có giải pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng này, nhóm nghiên cứu đặt vấn đề.

Bộ Công an cũng được đề nghị cùng với Bộ Giao thông Vận tải giải trình về tình trạng xe quá tải chưa được xử lý triệt để, diễn ra phức tạp tại một số tuyến đường, có dấu hiệu tái diễn tại các quốc lộ, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, tiếp tục là nguyên nhân mất trật tư an toàn giao thông, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng, thậm chí một số trường hợp còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi đó, kết quả xử lý vi phạm còn khá hạn chế, chỉ có 10-12% số xe được kiểm tra vi phạm về tải trọng là chưa phản ánh đúng số lượng và tình hình vi phạm trên thực tế.

Có biểu hiện tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí là bảo kê cho vi phạm, bảo kê cho các "xe vua", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Cử tri rất bức xúc về tiêu cực, mãi lộ trong xử lý, chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị  Nga nhấn mạnh thêm.

Bà Nga cũng dẫn lời chuyên gia là trước khi giáo dục ý thức người dân thì phải giáo dục ý thức người thi hành công vụ đã.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top