Đó là bình luận của nhà sử học Dương Trung Quốc, người có "thâm niên" 4 khoá liền làm đại biểu Quốc hội về phiên giám sát tối cao của Quốc hội sáng 27/5.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 là nội dung của cuộc giám sát này.
Như thông lệ, phiên giám sát diễn ra trọn ngày, nhưng khác với nhiều kỳ họp trước, hoạt động này không được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri trực tiếp theo dõi.
Lý do có sự thay đổi đó là "để bảo đảm sự thận trọng trong việc chuyển tải thông tin đến cử tri và nhân dân về một số vấn đề nhạy cảm, phức tạp".
Trao đổi với báo chí về sự thay đổi này, đại biểu Dương Trụng Quốc cho biết, ở phiên trù bị (trước thềm phiên khai mạc kỳ họp sáng 20/5) ông và một số vị đại biểu khác cũng đã có ý kiến về việc tại sao không phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên giám sát.
"Giám sát về nội dung này thì chính người dân phát hiện nhiều hơn các cơ quan chức năng cho nên để cho người dân họ nghe được thì họ sẽ hiểu được giám sát của Quốc hội có đi sát thực tế hay không. Thứ hai nữa là chúng ta chỉ sợ tạo ra cái nhạy cảm nhưng bản thân đời sống đã nhạy cảm rồi. Đương nhiên trong nhân dân có nhiều nhận thức khác nhau nên càng đưa thông tin chính xác bao nhiêu, chính thống bao nhiêu thì người dân càng có cơ sở để họ có thể tiếp nhận chứ để mù mờ càng dẫn đến sự mù mờ trong dân thì càng không có lợi", ông Quốc nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nói thêm rằng: "chủ trì phiên họp trù bị có giải thích là giám sát không phải phiên họp kín mà báo chí vẫn được theo dõi và đưa tin, nhưng dẫu sao vẫn không cần thiết thay đổi như vậy".
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát được trình bày trước khi đại biểu thảo luận nêu rõ: xuất phát từ sự quan tâm của cử tri đối với thực trạng phát triển nhanh chóng của các đô thị thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nghị quyết thành lập đoàn giám sát về nội dung nói trên. Nhưng thực tế thì phiên giám sát lại "đóng" hơn các kỳ họp trước. Điều này, theo đại biểu Dương Trung Quốc là rất không nên, vì đây là lúc để nắm được tâm tư của người dân và điều đó hết sức quan trọng.
"Người dân là người phát hiện, là người giám sát tốt nhất nếu Quốc hội biết khai thác tốt và phát huy dân chủ", ông Quốc nhấn mạnh.
Vị đại biểu 4 nhiệm kỳ liền có số ghế tại Quốc hội, cũng đồng nghĩa với việc đã trải qua rất rất nhiều phiên giám sát tối cao (trung bình mỗi kỳ họp Quốc hội giám sát tối cao một chuyên đề) cũng bày tỏ băn khoăn về cách thức quyết định khi còn có ý kiến khác nhau.
"Lẽ ra phải biểu quyết riêng việc có đồng ý là truyền hình trực tiếp phiên giám sát hay không thì lại chuyển thành có đồng ý với chương trình kỳ họp không, giám sát chỉ là 1 nội dung của chương trình toàn kỳ họp thì đương nhiên số đông đại biểu sẽ ủng hộ, bản thân tôi cũng phải có trách nhiệm ủng hộ chương trình chung. Việc biểu quyết như thế không đúng vì lẽ ra đang thảo luận nội dung gì thì lấy ý kiến riêng nội dung đó, chứ lại đi lấy ý kiến toàn bộ chương trình thì không đúng", ông Quốc thể hiện quan điểm.
Trở lại với báo cáo kết quả giám sát, ông Quốc nói ông đã đọc toàn bộ tài liệu này nhưng "chả thấy cái gì nhạy cảm cả, còn thấp hơn thực tiễn đời sống nhiều".
Nhiều kết luận được nêu tại báo cáo kết quả giám sát tôi cho là xác đáng nhưng để tạo ra hiệu ứng xã hội hỗ trợ cho nghị quyết của Quốc hội là "có vấn đề", việc không phát thanh truyền hình trực tiếp là không cần thiết và đi ngược lại mong muốn của dân, vì vấn đề quản lý sử dụng đất đai gây xáo trộn suy nghĩ của dân và họ rất muốn tìm cơ sở chính xác nhất để kiếm chứng ngay suy nghĩ của họ, ông Quốc bình luận.
Post a Comment