Đây là một trong những vấn đề cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề nghị Chính phủ làm rõ.
Sáng 29/5, sau khi Chính phủ trình dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này.
Tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết
Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất mức tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Khẳng định tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, song cơ quan thẩm tra cho rằng cần làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ (2 tuổi) từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất. Theo cơ quan thẩm tra thì khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm...
Ủy ban thẩm tra cũng đề nghị khi xem xét điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần khẳng định rõ đây là quy định chung về tuổi nghỉ hưu đối với lao động của quốc gia, còn đối với những ngành, nghề, lĩnh vực nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và vùng sâu, vùng xa được giảm tuổi nghỉ hưu tối đa không quá 5 năm.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục duy trì quy định tại khoản 3 điều 170 dự thảo Bộ luật về việc người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn cần có đánh giá việc thực hiện quy định hiện hành.
Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội (tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thì mức hưởng lương hưu tăng thế nào). Việc tính độ tuổi hưởng lương hưu trong mối quan hệ với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đối với những người có thời gian tham gia bảo hiểm lâu (ví dụ 40 năm trở lên).
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng cần đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực đối với nguồn nhân lực và thị trường lao động khi ghi nhận người lao động "có quyền nghỉ hưu" thay cho việc "có thể nghỉ hưu" và thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế; tác động đối với người lao động và cơ chế để bảo đảm quyền nghỉ hưu (gồm cả nhóm được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn).
Tăng giờ làm thêm, lo sức khoẻ người lao động
Lần sửa luật này, Chính phủ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa trong một số trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ/năm).
Bên cạnh các ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ loại ý kiến khác đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, không tăng giờ làm thêm vì lần sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2002 đã tăng thời giờ làm thêm tối đa từ 200 giờ/năm lên 300 giờ/năm.
Việc tiếp tục mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa không phù hợp với xu hướng tiến bộ "tăng lương, giảm giờ làm", nhất là trong bối cảnh các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam những năm gần đây có xu hướng chững lại, chỉ số bất bình đẳng thu nhập (GINI) thể hiện rõ xu hướng tăng.
Ý kiến này cũng lo ngại tăng giờ làm thêm dễ dẫn đến tình trạng người lao động bị khai thác sức lao động quá mức dẫn đến cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động, gia tăng tình trạng sa thải, chấm dứt hợp đồng với lao động lớn tuổi do giảm năng suất lao động, doanh nghiệp trả lương cơ bản không đủ sống để gia tăng áp lực làm thêm giờ, giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế.
Mặt khác, việc tăng giờ làm thêm sẽ dẫn đến thực tế tiếp tục kéo doãng khoảng cách về thời giờ làm việc giữa khu vực công và khu vực doanh nghiệp.
Theo cơ quan thẩm tra, chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ và xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Hiện nay quy định về thời giờ làm việc bình thường của Việt Nam ở mức rất cao (8 giờ/ngày; 48 giờ/tuần), thời gian nghỉ lễ, tết 10 ngày là mức thấp so với các nước (Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 12 ngày, Myanmar là 14 ngày, Philippines là 12 ngày, Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày), cơ quan thẩm tra so sánh.
Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động tiêu cực đã được nêu trong báo cáo thẩm định. Đó là doanh nghiệp không muốn tuyển thêm lao động mà chỉ huy động làm thêm giờ tối đa, tiền làm thêm giờ không phải đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phí công đoàn.
Tác động tiêu cực còn thể hiện qua gánh nặng đối với ngân sách nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động, trong khi tuổi nghỉ hưu sẽ tăng, rồi lao động từ 40 tuổi trở lên khó có thể làm thêm giờ dễ bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động để tuyển dụng lao động mới...
Chiều cùng ngày Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Post a Comment