Ngày 30/5, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với 13 bộ về tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, các đề án, nhiệm vụ nợ đọng với thông tin "kém vui" là tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết tăng lên so với hai năm trước.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng từ đầu năm, tình hình nợ đọng văn bản chi tiết và đề án có cải thiện.
Số văn bản chi tiết nợ đọng giảm từ 16 xuống còn 6 văn bản, thuộc trách nhiệm của các Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính. 17 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ 1/7/2019 giảm xuống còn 15 văn bản chưa ban hành, thuộc trách nhiệm của các Bộ: Công an, Công Thương, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, so với năm 2017 và 2018, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết tăng lên, để xảy ra tình trạng văn bản nợ đọng quy định chi tiết trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ bảy.
Số đề án nợ đọng trong 4 tháng là 51/103 đề án. Đến nay, còn nợ đọng 38/123 đề án (chiếm 30,8%), thuộc trách nhiệm của các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Nội vụ, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ.
Ngoài ra, qua rà soát của Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan tham gia buổi làm việc còn nợ đọng 37 nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ rất quan trọng liên quan đến hoàn thiện thể chế, tăng trưởng và an sinh xã hội.
Trước 13 nhiệm vụ nợ đọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác đề nghị Bộ cần rất quan tâm các nhiệm vụ liên quan tới thực hiện Luật Quy hoạch, hiện nhiều công việc đang phải dừng lại do nhiều quy hoạch không điều chỉnh, bổ sung được do chưa có hướng dẫn chi tiết, ảnh hưởng nhiều tới việc phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần theo dõi sát các diễn biến mới về thương mại toàn cầu để đề xuất giải pháp phù hợp.
Đối với Bộ Tài chính hiện còn 20 nhiệm vụ nợ đọng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng rất quan tâm tới vấn đề thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử và chính sách thuế khi tham gia các hiệp định CPTPP, cụ thể là dự thảo Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện CPTPP.
Tổ công tác cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hết sức lưu ý việc hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô, cần đánh giá kỹ, tinh thần là nếu không tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ mới thì đất nước sẽ lạc hậu.
Đồng thời, việc thu phí điện tử không dừng là rất quan trọng, rất cần sự minh bạch của các doanh nghiệp và kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước. "Vừa rồi có tỉnh đề nghị chưa áp dụng thu phí không dừng, Thủ tướng trả lời ngay là yêu cầu thực hiện đúng theo lộ trình", Tổ trưởng Tổ công tác cho biết.
Theo Tổ trưởng Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm công tác cải cách, nhất là việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các Bộ phải công khai các điều kiện, thủ tục được cắt giảm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan, thành viên Tổ công tác, cũng cho rằng phải "công khai cụ thể các điều kiện, thủ tục, giấy tờ đã cắt giảm để doanh nghiệp, người dân giám sát, còn nếu chỉ công bố số lượng thủ tục, điều kiện cắt giảm thì không có ý nghĩa gì".
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sắp tới sẽ khai trương hệ thống e-Cabinet và đi vào Chính phủ phi giấy tờ. Từ tháng 6, Tổ công tác sẽ tập trung kiểm tra việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử theo tinh thần đẩy mạnh công khai, minh bạch để cải cách thực chất.
"Nếu muốn đẩy mạnh chống tham nhũng vặt và tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thì ngay trong nội bộ các cơ quan cũng phải cải cách. Không cải cách, không minh bạch trong nội bộ, vụ nọ giấu vụ kia, không điều phối tốt thì cũng không cải cách tốt với bên ngoài được", Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.
Post a Comment