Có những khu vực quy hoạch rồi nhưng do chi phối của các doanh nghiệp nên nhiều lãnh đạo tỉnh đi theo lợi ích doanh nghiệp, lợi ích cá nhân và làm cho quy hoạch thay đổi gây bức xúc cho người dân.

Đó là nhận xét của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tại phiên giám sát về  quản lý, sử dụng đất đai đô thị của Quốc hội, sáng 27/5.

Nhìn nhận về hạn chế trong lĩnh vực giám sát, đại biểu Phương đặc biệt nhấn mạnh rằng, không ít tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, bị doanh nghiệp chi phối, chạy theo lợi nhuận doanh nghiệp. Mặt khác, không ít doanh nghiệp vi phạm pháp luật, lấn chiến sử dụng đất công. Những hạn chế đó gây bất bình trong dư luận xã hội, làm  khiếu nại, tố cáo gia tăng, ông Phương nói.

Cũng quan tâm đến mối quan hệ đất đai và doanh nghiệp, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng điều đáng suy ngẫm là nhiều tỷ phú về đất ôm nhiều đất vàng, đất kim cương tại các khu đất đô thị và tương lai là đô thị đồng thời thâu tóm hàng ngàn ha đất màu mỡ khác chờ thời.

Việc giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát thậm chí không tuân thủ pháp luật, cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền để lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất, đại biểu Gia Lai phản ánh.

Trong mối quan hệ này, ông Vượt còn phản ánh hoài nghi của cử tri về việc lợi dụng cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi trong định giá đất, quyết định giá đất có nơi rẻ như bèo để cổ phần hóa doanh nghiệp, rồi cho thuê đất, giao đất, bồi thường thiệt hại về đất, ưu đãi về đất không chỉ doanh nghiêp mà cả các cơ sở sự nghiệp như giáo dục, y tế, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, làm thiệt hại lớn đến lợi ích nhà nước, nhân dân tác động tiêu cực không nhỏ đến các doanh nghiệp có tâm, có tầm, có tín.

Tại báo cáo kết quả giám sát, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

Đồng tình với kiến nghị này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị các sai phạm phát hiện qua thanh tra, ngoài xử lý nghiêm công chức cơ quan nhà nước vi phạm cũng cần phải xử lý tương xứng đối với doanh nghiệp, các chủ đầu tư. Vì sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của doanh nghiệp, chủ đầu tư.

"Không thể vỗ tay bằng một bàn tay, sai phạm xảy ra ngoài trách nhiệm vi phạm của công chức cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm vi phạm của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Vì vậy, cũng cần phải xử lý nghiêm", ông Hàm nhấn mạnh.

Theo  đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà thì vấn đề bức xúc nhất hiện nay  là người dân chưa đồng tình với quy định tại Điều 62 Luật Đất đai về thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Bởi vì, Luật Đất đai chưa làm rõ thế nào là lợi ích quốc gia, công cộng. Vì vậy, việc phân định giữa thực hiện các dự án công trình sản xuất kinh doanh theo điều 73 Luật Đất đai và dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng là rất mơ hồ.

Bởi suy cho cùng, dự án phát triển kinh tế xã hội nào mà chẳng vì lợi ích quốc gia, công cộng. Chính vì vậy mà hầu hết các doanh nghiệp khi thực hiện dự án đều cố gắn dự án với tính chất là phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Như vậy, dự án đó sẽ do nhà nước thu hồi đất và giá đất đền bù cũng sẽ theo khung giá của nhà nước quy định. Không phải thỏa thuận với người dân như điều 73 của Luật Đất đai và thấp hơn nhiều so với giá thị trường, đại biểu Hà phân tích.

Sử dụng kết quả giám sát, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhấn mạnh, một trong những câu hỏi lớn khi tiếp cận báo cáo giám sát là trong công tác quy hoạch xuất hiện việc điều chỉnh theo đề xuất của nhà đầu tư và trong 1.390 dự án có quy hoạch được điều chỉnh từ 1 - 6 lần, có bao nhiêu đề xuất điều chỉnh theo dự án của họ.

"Quốc hội nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 4,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20-33 lên đến 40 tầng. Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của nhà nước thì quy hoạch bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư. Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ điều do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời",  ông Nhân phát biểu.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top