Tại sao tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 mà nam chỉ lên 62, ngày 27/7 phải làm việc hăng hái hơn chứ sao lại nghỉ, tăng giờ làm thêm phải tính toán toàn diện...
Sau khi nghe tờ trình buổi sáng, chiều 29/5 Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Nam và nữ đều tăng hai tuổi cho bình đẳng
Tại dự thảo bộ luật, Chính phủ đề xuất mức tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Đề xuất tăng tuổi nhận được sự đồng tình của khá nhiều vị đại biểu. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) thì cần giải thích rõ hơn vì sao tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 (tăng 5 tuổi so với hiện nay) còn nam lên 60 (tăng 2 tuổi).
Ông Thành cũng gợi ý phải chăng để hợp lý hơn thì nam và nữ đều cùng tăng 2 tuổi cho bình đẳng.
Nữ tăng lên đến 5 tuổi, nam lên có 2, như thế là thế nào? đại biểu Trương Văn Nọ (Long An) băn khoăn.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cũng bày tỏ tán thành tăng tuổi nghỉ hưu là hợp xu thế. Nhưng, cần phải quy định rõ hơn để tránh tình trạng không khớp với quy định của Đảng và một số luật khác có liên quan. Ông Việt góp ý là nên giải thích rõ chứ trước đây nói tăng tuổi do sợ vỡ quỹ bảo hiểm thì nhiều ý kiến không đồng tình.
Theo đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương), xu hướng ở một số nước phát triển là tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng đi cùng với đó là giảm giờ làm. Ở Việt Nam, trong bối cảnh vẫn thiếu việc làm và cứ mỗi năm lại có thêm 1,2 triệu người bước vào thị trường lao động; dân số lại đã bắt đầu bước vào ngưỡng "già hoá", thì rất cần tính toán, thiết kế luật theo hướng đáp ứng nhu cầu có việc làm của lao động trẻ.
"Thực tế là tuổi càng lớn thì sức khoẻ, kỹ năng làm việc, độ nhanh nhạy giảm. Tuổi thọ trung bình người Việt ngày càng cao, nhưng không khoẻ. Cho nên đồng ý tăng tuổi hưu nhưng lưu ý xem lại lộ trình, đặc biệt là linh hoạt theo đối tượng ngành nghề", ông Thưởng nói.
Một số vị đại biểu, trong đó có đại biểu Nguyễn Diệu Thuý (Tp.HCM) phản ánh, người lao động không ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu, bởi rất nhiều lý do. Trong đó có lý do ngoài giờ chính thức 48 tiếng một tuần, người ta còn phải làm thêm rất nhiều, không có khả năng duy trì và tái tạo sức lao động.
27/7 phải làm việc ra trò chứ sao lại nghỉ?
Sao không chọn ngày khác mà lại chọn ngày 27/7 là câu hỏi được nhiều vị đại biểu đặt ra với đề xuất thêm một ngày nghỉ trong năm là ngày này của Chính phủ.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Quảng Ngãi) cho rằng những lý do để đề xuất nghỉ thêm ngày 27/7 không phù hợp. Tri ân chúng ta vẫn đang làm, sẽ làm, nhưng không phải tổ chức nào, gia đình nhà nào cũng dành ra một ngày này để làm. Nói nửa cuối năm ít ngày nghỉ quá, phải phân bố ra cho đều thì cũng "lợn cợn". Nếu nhất thiết thêm một ngày nghỉ thì có thể chọn ngày 28/6 – Ngày Gia đình Việt Nam, hoặc ngày 1/6 - Quốc tế thiếu nhi, bà Trang phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) phân tích chọn ngày 27/7 để nghỉ thì không hay, vì ngày này lẽ ra phải làm việc cho ra trò.
27/7 để thăm hỏi gia đình chính sách chứ lại nghỉ để tận dụng đi chơi đi bời thì phải tính lại, ông Quyền nói.
Nếu muốn thêm một ngày thì nghỉ 8/3 chả hay hơn à, vừa được quốc tế hoan nghênh lại ưu tiên chị em, đại biểu Nguyễn Lâm Thành góp ý.
Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
Thể hiện đồng tình cần tăng nhưng tăng như thế nào để để không bị người sử dụng lao động lạm dụng cũng khiến đại biểu băn khoăn.
Tiền lương phải được tính luỹ tiến để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, các tổ chức liên quan cần có biện pháp giám sát để ngăn chặn việc doanh nghiệp cố tình không tuyển dụng đủ lao động, tận dụng vắt kiệt sức lao động trẻ…, đại biểu Thu Trang góp ý.
Post a Comment