“Đạo diễn hay nhà sản xuất có thể lập luận rằng phim của họ có giá trị nghệ thuật, nhưng luật là luật” - nhà sản xuất Mỹ Toni Casala chia sẻ.

Phim "Vợ ba" đã chính thức ngừng chiếu.

Phim "Vợ ba" đã bị ngừng chiếu tại Việt Nam vào ngày 20/5/2019. Sau đó, nhà sản xuất phim "Vợ ba" là Công ty TNHH Ba Sắc Cầu Vồng cũng bị xử phạt 50 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 4 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Vi phạm của nhà sản xuất được Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đưa ra là bản phim "Vợ ba" chiếu tại rạp khác với bản phim đã được thẩm định, cấp phép và lưu chiểu.

Tuy nhiên, những tranh cãi về phim "Vợ ba" chủ yếu nhằm vào việc vai nữ chính Mây được giao cho diễn viên Trà My, khi ấy mới 13 tuổi đảm nhận. Ngay cả khi "Vợ ba" ngừng chiếu, những tranh luận cảnh nóng của diễn viên tuổi 13 vẫn tiếp tục.

Thể hiện nhân vật 14 tuổi bị ép tảo hôn, Trà My thực hiện nhiều cảnh quay nhạy cảm như lần đầu ân ái, tự thỏa mãn nhục dục, mang thai, sinh nở...

Trong những thước phim của đạo diễn Phương Anh (Ash Mayfair), Trà My lộ gần hết phần trên của cơ thể. Bản phim chiếu ở nước ngoài bao gồm cả phân đoạn Trà My hôn đồng giới, tuy nhiên hai cảnh này đã bị cắt khi chiếu ở Việt Nam.

Điều này khiến dư luận không khỏi bức xúc và cho rằng đoàn phim đã vi phạm cả về luật pháp lẫn đạo đức khi giao vai nữ chính "nặng đô" này cho diễn viên nhí 13 tuổi. Kể cả trong trường hợp cả Trà My và mẹ em - người giám hộ đều đồng ý tham gia "Vợ ba", đây vẫn là một việc làm gây tranh cãi.

Có cùng quan điểm trên, nhà sản xuất Mỹ Toni Casala, CEO tổ chức Children in Film chia sẻ trên Tri thức trực tuyến cho biết: “Ở Mỹ, trẻ em hoàn toàn không được phép đóng cảnh tình dục thật hay mô phỏng. Với các cảnh nhạy cảm, đạo diễn buộc phải sử dụng người đóng thế cho diễn viên nhỏ tuổi”.

Việc sử dụng diễn viên nhí cho các cảnh nhạy cảm ở Hollywood cũng gây tranh cãi gay gắt.

Bà Casala cho biết, ở đất nước của bà, chính phủ quản lý việc sử dụng trẻ em trong ngành công nghiệp giải trí nên các bậc phụ huynh không phải là người quyết định cuối cùng việc con em mình tham gia các tác phẩm nghệ thuật.

Ngoài ra, “đạo diễn hay nhà sản xuất có thể lập luận rằng phim của họ có giá trị nghệ thuật, nhưng luật là luật”, bà Casala nhấn mạnh.

Theo Tri thức trực tuyến, các bang tại Mỹ đều có những quy định tương tự về việc bảo vệ trẻ em hoạt động trong ngành công nghiệp giải trí. Từ năm 1977, New York - nơi đạo diễn Vợ ba Nguyễn Phương Anh học điện ảnh - đã ban hành luật cấm sử dụng trẻ em khi quay các cảnh tình dục thật hay mô phỏng trong phim. Và phim không cần bị coi là “khiêu dâm” vẫn bị cấm nếu phạm luật.

Có thể thấy rằng, ở phim của Hollywood, không ít hình ảnh diễn viên nhí đóng cảnh nóng, bạo lực. Nhưng do luật nhân quyền được kiểm soát chặt chẽ tại đây nên diễn viên nhí luôn được nhà sản xuất, ê- kíp làm phim bảo vệ nghiêm ngặt và đáng tin cậy.

Những bộ phim có diễn viên nhí đóng cảnh nhạy cảm như "Leon", "Taxi Driver" hay "Lolita" đều gây tranh cãi gay gắt dù những tác phẩm này đã tạo nên tên tuổi cho người thực hiện nó.

Vi An (T/h)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top