Trình Quốc hội dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 29/5, Chính phủ nói rõ quy định về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là vấn đề mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Dự thảo quy định: tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn và tổ chức của người lao động được thành lập theo quy định của bộ luật này.
Bổ sung nội dung này nhằm nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế và thực hiện các cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, theo tờ trình.
Doanh nghiệp chỉ có một thương lượng tập thể
Về việc thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức đại diện người lao động, dự thảo bổ sung 3 điều quy định về ba nội dung lớn. Một là quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập tổ chức đại diện. Hai, điều kiện đối với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức. Ba, tôn chỉ, mục đích và điều lệ của tổ chức.
Những vấn đề liên quan cần hướng dẫn của ba nội dung trên và một số nội dung cụ thể khác như: hồ sơ, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức đại diện; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể và quyền liên kết của các tổ chức với nhau sẽ giao Chính phủ quy định.
Theo dự thảo, một doanh nghiệp chỉ có một thương lượng tập thể và một thỏa ước lao động được ký kết.
Hai là, thỏa ước lao động tập thể dù được tổ chức đại diện nào thương lượng đều phải được đa số (trên 50%) người lao động tại doanh nghiệp đồng ý mới được ký kết.
Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc có thêm tổ chức đại diện của người lao động ngoài tổ chức công đoàn cơ sở làm thay đổi cơ cấu quan hệ lao động tại doanh nghiệp, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy định có liên quan tại để bảo đảm quyền thương lượng tập thể của người lao động trong bối cảnh mới.
Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ thuyết minh làm rõ cơ sở lập luận và tính phù hợp của việc xác định "tổ chức đại diện nhất" có quyền yêu cầu thương lượng tập thể theo nguyên tắc (50% số người + 1người) quy định tại điều 67 dự thảo bộ luật và điều 3 dự thảo nghị định quy định chi tiết, trường hợp không có tổ chức đại diện nhất thì các tổ chức đại diện có quyền kết hợp với nhau để yêu cầu thương lượng tập thể như thế nào.
Những vấn đề này cần được quy định minh bạch trong dự thảo bộ luật, trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án phù hợp với bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội nước ta, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Hai phương án nghỉ Tết
Lần sửa đổi này, Chính phủ cũng dự kiến 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Âm lịch.
Phương án 1 (sửa đổi): người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.
Phương án 2 (giữ nguyên hiện hành): người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Uỷ ban thẩm tra đề nghị kế thừa quy định hiện hành.
Về đề nghị bổ sung 1 ngày nghỉ lễ (là ngày 27/7), Uỷ ban thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và đánh giá tác động đầy đủ.
Liên quan đến vấn đề tiền lương, dự thảo bộ luật đã làm rõ hơn khái niệm tiền lương, thay đổi cơ sở xác định lương tối thiểu từ "nhu cầu sống tối thiểu" sang "mức sống tối thiểu" của người lao động và gia đình họ; bổ sung quy định về căn cứ xác định, điều chỉnh lương tối thiểu, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tiền lương quốc gia theo hướng bổ sung các chuyên gia độc lập tham gia Hội đồng.
Ủy ban thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ cơ sở để xác định "mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ" và lương tối thiểu theo giờ trong dự thảo bộ luật để đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động, đảm bảo đồng bộ với việc mở rộng đối tượng áp dụng của bộ luật cho cả lao động phi chính thức nhằm thiết lập cơ chế bảo vệ và nền tảng trả lương công bằng, bình đẳng cho tất cả người lao động, nhất là với lao động tự do, lao động phi chính thức.
Về cơ quan có thẩm quyền quyết định và công bố mức lương tối thiểu, cơ quan thẩm tra đề nghị giữ như quy định hiện hành, không chuyển thành thẩm quyền của Thủ tướng để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.
Post a Comment