Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban ngành gần đây liên tục họp và bàn cách gỡ vướng mắc cho Luật Quy hoạch. "Nút thắt" của Luật Quy hoạch đã được Chính phủ chỉ ra trong nhiều báo cáo. Mới đây nhất, Chính phủ đã có tờ trình Dự thảo Nghị quyết thi hành Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch gửi Quốc hội.
6 bộ cùng một nỗi lo về Luật Quy hoạch
Vừa qua, loạt các bộ ban ngành đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc các quy hoạch đình trệ do những vướng mắc của Luật Quy hoạch mới.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang được giao lập các quy hoạch mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuộc lĩnh vực viễn thông như quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, quy hoạch kho số, quy hoạch tài nguyên internet, quy hoạch phố tần số vô tuyến điện quốc giá, quy hoạch băng tần, kênh tần số…
Bộ này đang không rõ sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch theo luật chuyên ngành hay phải thực hiện theo Luật Quy hoạch mới. Trong khi quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh mới vẫn chưa có và khả năng ban hành sớm là rất khó.
Ngoài ra 4 quy hoạch được lập trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực là Quy hoạch viễn thông, công nghệ thông tin vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2015 và định hướng đến năm 2035 đối với khu vực Bắc Bộ, miền Trung, Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long…cũng chưa hoàn thành vì chưa có quy định về chuyển tiếp quy hoạch.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho rằng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia và các quy hoạch xây dựng chưa thể tổ chức lập, phê duyệt do phải chờ để đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Một số khu chức năng gặp khó khăn trong xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng do quy hoạch tổng thể cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được tổ chức lập, phê duyệt.
Các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh không thể thực hiện điều chỉnh do quy định về việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã bị bãi bỏ…
Theo Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Luật Quy hoạch không quy định các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành về du lịch nhưng trong Luật du lịch có quy định các quy hoạch về du lịch. Cho nên trong quá trình triển khai thực hiện hiện nay có phát sinh nhiều yếu tố mới ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch thì các tỉnh thành phố "không dám thực hiện điều chỉnh các quy hoạch du lịch tỉnh/thành phố vì sợ sai quy định của Luật Quy hoạch".
Bộ này đánh giá đây là khó khăn, vướng mắc của ngành, nhất là thời điểm hiện nay các quy hoạch ngành, quốc gia về văn hóa, thể thao và du lịch, quy hoạch tỉnh đến năm 2030 chưa được ban hành.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng găp vấn đề tương tự với 4 quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành y tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, công nghiệp và các ngành kinh tế - kĩ thuật đã được Thủ tướng phê duyệt thực hiện trước khi có Luật Quy hoạch mới.
Bộ Giao thông Vận tải cũng có văn bản gửi Thủ tướng về những vướng mắc trong Luật quy hoạch khiến các kế hoạch đầu tư công không thể thực hiện, các dự án huy động vốn xã hội hoá cũng ngưng trệ, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng có báo cáo gửi Chính phủ về việc hàng trăm dự án công nghiệp gồm dự án điện gió, điện mặt trời và các dự án khoáng sản…bị đình trệ vì vướng mắc trong Luật Quy hoạch.
"Nút thắt" ở đâu gỡ ở đó
Luật Quy hoạch có hiệu lực từ đầu năm 2019, song theo Chính phủ quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc. Nhiều quy hoạch tỉnh, vùng đã được lập trước đó nếu phải lập, thẩm định lại thì sẽ gây lãng phí nguồn lực và kéo dài thời gian lập quy hoạch. Việc bổ sung dự án, tích hợp các quy hoạch cũng bị đình trệ do chưa có quy hoạch quốc gia, vùng mới.
"Việc ban hành Nghị quyết sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 đã tổ chức lập trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực và việc điều chỉnh cũng như tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực, nhất là việc bổ sung các dự án cần thiết, cấp bách để đáp ứng kịp thời yêu cầu đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Chính phủ cho rằng cần ban hành nghị quyết để hướng dẫn chuyển tiếp, không hồi tố quy định với các quy hoạch đã thẩm định trước và cho kéo dài thời hạn áp dụng quy hoạch được quy định tại các luật chuyên ngành.
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ bao gồm 3 điều: một điều quy định về chuyển tiếp các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; một điều chuyển tiếp thi hành Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch và một điều về tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Cụ thể hướng dẫn chuyển tiếp các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã tổ chức lập, thẩm định trước ngày 1/1/2019.
Một là, các quy hoạch đã tổ chức lập nhưng chưa được thẩm định thì tổ chức thẩm định theo quy định Luật Quy hoạch và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch; việc quyết định hoặc phê duyệt theo quy định tại Luật Quy hoạch.
Hai là, các quy hoạch đã thẩm định nhưng chưa được quyết định hoặc phê duyệt, thì thực hiện quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch. Trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch yêu cầu bổ sung hồ sơ và thẩm định lại thì phải bổ sung hồ sơ và thẩm định lại quy hoạch theo quy định tại các điều của Luật Quy hoạch và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch.
Đặc biệt, Dự thảo Nghị quyết có giải pháp quan trọng để gỡ nút thắt đó là cho phép kéo dài thời hạn áp dụng của pháp luật chuyên ngành có liên quan cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch để điều chỉnh và thực hiện các quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 1/1/2019.
Post a Comment