"Cá nhân tôi rất ngại khi nói nhiều về 4.0", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói khi tham gia trả lời chất vấn tại Quốc hội, sáng 6/6.

Trước đó, khi đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, một số vị đại biểu cũng đồng thời chuyển chất vấn đến Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

"Đại biểu Ánh Tuyết đoàn An Giang hỏi về du lịch 4.0, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời. Cá nhân tôi rất ngại khi nói nhiều về 4.0", Phó thủ tướng nói.

Theo Phó thủ tướng, Việt Nam phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phát triển mọi ngành, lĩnh vực. "Chúng tôi đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập đề án về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nhằm góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tất cả các khâu, các lĩnh vực đều được đề cập", Phó thủ tướng cho biết.

Với nhận định hiện nay đã ứng dụng công nghệ thông tin để làm được khá nhiều việc, Phó thủ tướng lấy ví dụ ngay những chương trình ứng dụng trí khôn nhân tạo, xử lý ngôn ngữ vào họp Quốc hội. Tất cả các ý kiến phát biểu ở hội trường lập tức được máy đưa ngay sang văn bản.

Về ứng dụng công nghệ với các phương tiện thanh toán, Phó thủ tướng cho biết các bộ, ngành đều đã cố gắng lặng lẽ làm. "Ở đây có Thống đốc Ngân hàng nhà nước, và Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi từ năm ngoái đã làm một chương trình phối hợp. Hiện nay thanh toán qua điện thoại di động của Việt Nam 6 tháng gần đây tăng rất nhanh và trong khu vực ASEAN tốc độ tăng là nhanh nhất", Phó thủ tướng thông tin.

Cụ thể hơn, Phó thủ tướng cho biết, quý 1 vừa qua Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ là tổng số giao dịch thanh toán thông qua điện thoại di động của Việt Nam tăng 97% về số giao dịch. Bên cạnh đó cũng bắt đầu khởi động chương trình số hóa các di sản. Ví dụ, các bảo vật quốc gia, các vật phẩm rất quý của các bảo tồn, bảo tàng cũng đang bắt đầu kêu gọi và đưa ra các công nghệ để số hóa để đưa lên giới thiệu....

Nói thêm là về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, một vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại phiên chất vấn, Phó thủ tướng bày tỏ quan điểm đồng tình là cần phản đối, lên án, đấu tranh chống mê tín, dị đoan, chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi và các vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

"Tuy nhiên, chúng ta phải hình dung vấn đề này không chỉ pháp luật mà còn liên quan tới tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò của chính các tổ chức tôn giáo. Trong quá trình đó cần lưu ý chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tốt đời, đẹp đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc", Phó thủ tướng nói.

Mê tín dị đoan, theo Phó thủ tướng, suy cho cùng là sự thiếu hiểu biết, vì thế cần chú ý hơn tới giáo dục văn hóa, nâng cao dân trí để mọi người dân hiểu rằng hành vi này đúng với tín ngưỡng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hành vi kia không đúng, hành vi này trước đây đúng nhưng giờ không phù hợp với thế giới văn minh.

"Những điều này cần có sự phân tích có tình, có lý của nhà nghiên cứu về tôn giáo, người thực hành tôn giáo và những người nghiên cứu về văn hóa. Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các địa phương tổ chức tăng cường công tác nêu gương việc tốt, việc phù hợp, việc chưa tốt, chưa phù hợp nhưng phải phân tích cặn kẽ trên góc độ văn hóa để mọi người nêu cái tốt, giảm cái xấu. Tôi mong rằng đại biểu Quốc hội và toàn thể nhân dân hãy gìn giữ và phát huy những thứ tốt đẹp của dân tộc, tôn giáo mình đang theo, đồng thời cầu thị trên tinh thần khoa học để có ứng xử phù hợp với thời đại mới", Phó thủ tướng phát biểu.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top