Trả lời trực tiếp đại biểu Quốc hội sáng 6/6, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã thành lập một ban nghiên cứu, kiến nghị chính sách, xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó với diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Thời gian dành cho Phó thủ tướng không nhiều, chất vấn của các đại biểu dành cho Phó thủ tướng đề cập rộng từ đối ngoại, kinh tế, xã hội và cả những vấn đề cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đến hồi quyết liệt. Thái độ và hành động của Việt Nam thế nào là phù hợp? Chiến lược đấu tranh trên Biển Đông để đảm bảo hoà bình, ổn định, phát triển bền vững, lâu dài cũng là chất vấn đại biểu Trí nêu với Phó thủ tướng.

Trả lời, Phó thủ tướng nhấn mạnh, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là sự quan tâm lớn hiện nay, không chỉ trong nước mà của cả thế giới vì cuộc chiến tác động tới kinh tế cả thế giới. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nêu đây là 1 trong 4 đám mây bao phủ kinh tế thế giới, dự báo có khả năng kéo giảm mức tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,5% xuống 3,2%.

Với Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở rất lớn thì bất cứ diễn biến nào của kinh tế thế giới cũng có khả năng tác động đến.

Ngay từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới diễn ra, Thủ tướng đã hết sức quan tâm, Chính phủ đã lập một ban để nghiên cứu về tình hình và kiến nghị chính sách. Đánh giá đưa ra là về ngắn hạn, cuộc chiến sẽ kích thích một số mặt hàng xuất khẩu nhưng về dài hạn sẽ có tác động tiêu cực, có khả năng làm giảm 0,2-0,3% GDP, khả năng giảm khoảng 60.000 tỷ đồng nguồn thu.

Biện pháp của Việt Nam được Phó thủ tướng nêu là xây dựng nhiều kịch bản đối phó, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, điều hành linh hoạt tỷ giá, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng mở ra xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 4 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài đang tăng lên nên Việt Nam cần phải lựa chọn kỹ càng, đảm bảo ổn định tăng trưởng, giữ gìn môi trường.

Về nội dung chất vấn liên quan đến vấn đề biển Đông, Phó thủ tướng nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ căn cứ khẳng định chủ quyền của đất nước tại Hoàng Sa, Trường Sa. Quan điểm của Việt Nam là kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc trên biển đảo. Việt Nam cũng chủ trương, ở Biển Đông có tranh chấp chủ quyền của một số nước và các bên liên quan, việc giải quyết tranh chấp phải trên nguyên tắc hoà bình, theo công ước luật biển 1982, không làm thay đổi hiện trạng Biển Đông.

Thời gian qua, các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên biển vẫn diễn biến, triển khai bình thường, các lực lượng vẫn tăng cường bảo vệ ngư dân trên biển. Việt Nam cũng kiên trì triển khai các biện pháp đấu tranh trên biển, Phó thủ tướng nói.

Chất vấn của đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) là làm thế nào để phát huy hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTTP để bảo vệ quyền, lợi ích dân tộc, đất nước?

Hồi âm đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ cũng đã ban hành nghị định để thực hiện khi hiệp định có hiệu lực từ đầu 2019. Cho đến nay, đã có 21 bộ ngành và 54 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động.

Chính phủ cũng ban hành sửa đổi bổ sung 8 luật liên quan, 4 nghị định về quản lý ngoại thương, an toàn thực phẩm… Theo đó, thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên CPTTP đã tăng, như với Canada tăng tới 70%, với Nhật tăng 4%, dù với Nhật Việt Nam đã có hiệp định thương mại riêng.

Vấn đề quan trọng, theo Phó thủ tướng, doanh nghiệp Việt phải tận dụng được thời cơ này.

Về khó khăn, theo Phó thủ tướng đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao. Ngay với lĩnh vực dệt may mà Việt Nam có thế mạnh thì cần đảm bảo chặt chẽ tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hoá thì mới có thể tận dụng được những ưu đãi về thuế trong cộng đồng. Trong tranh chấp, có điều khoản cho phép doanh nghiệp nước ngoài có thể khởi kiện Chính phủ nên Phó thủ tướng yêu cầu giám sát chặt chẽ, không để tình trạng này xảy ra.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top