Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2018.

Đáng lưu ý là nguồn vốn đến từ Trung Quốc tăng mạnh, đạt 2 tỷ USD ở tất cả hợp phần mà riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ 2018. Tính đến hết tháng 5, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên ghi nhận vốn FDI đăng ký cấp mới từ Trung Quốc vươn lên dẫn đầu.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị của NCB nói với VnEconomy: "Đây là một tín hiệu tốt, song tiềm ẩn rủi ro. Việt Nam cần thận trọng".

Ông có thể nói rõ hơn vì sao Việt Nam cần thận trọng với nguồn vốn FDI đến từ Trung Quốc?

Chúng ta thấy rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ bùng lên trong năm nay mà bắt đầu từ năm trước nên một số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Trung Quốc đã rời bỏ thị trường này.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có động thái tương tự để tránh việc bị Mỹ áp thuế. Họ tìm thị trường khác để thay thế và Việt Nam là một lựa chọn vì chúng ta ngay sát vách Trung Quốc, có lợi thế lao động giá rẻ và văn hóa kịnh doanh có nhiều điểm tương đồng.

Lao động Việt Nam được đánh giá là một trong những nhóm người châu Á chăm chỉ, giỏi chịu đựng. Vì thế, doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Nền ngoại thương của Việt Nam ngày càng được cải thiện và phát triển. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy nó là thành quả của quá trình tái cơ cấu kinh tế, là kết quả của nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô.

Thời gian qua, Việt Nam cũng mở cửa hội nhập, ký nhiều hiệp định thương mại tự do cũng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, các FTA giúp hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhận được nhiều cơ chế ưu đãi về thuế. Không chỉ nhà đầu tư Trung Quốc mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đến Việt Nam đầu tư, cả trực tiếp và gián tiếp.

Tuy nhiên, chúng ta phải thận trọng vì nguyên tắc trong kinh doanh tập trung luôn tạo ra độ rủi ro nhất định. Năm nay do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên dòng vốn từ Trung Quốc tăng mạnh song dòng vốn này có thể đảo chiều, không loại trừ một lúc nào đó nhà đầu tư nước ngoài vì sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của họ hay do khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Một nền kinh tế tăng trưởng bền vững đón nhận dòng vốn FDI tăng "điều hoà" từ năm này qua năm khác, không lệ thuộc vào sự phát triển ồ ạt của các doanh nghiệp FDI.

Mặt khác, chính quyền của ông Donald Trump đã cảnh báo sẽ "trả đũa" các quốc gia xuất siêu vào Mỹ. Do đó, chúng ta phải đặt vấn đề là nhận đầu tư lớn từ Trung Quốc, không ngoại trừ việc một số nhà đầu tư Trung Quốc đưa dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để chế tạo hàng hóa, sau đó xuất sang Mỹ để tránh thuế nhập khẩu 25% của Mỹ, hay đưa hàng hóa từ Trung Quốc tuồn qua Việt Nam, dán mác Việt Nam để xuất sang Mỹ, cũng để tránh thuế nhập khẩu cao của Mỹ cho hàng hóa xuất đi từ Trung Quốc.

Dù đến nay chưa có dấu hiệu song điều này hoàn toàn có thể xảy ra và nếu Mỹ phát hiện thì hậu quả thật khó lường. Lúc đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Vậy chúng ta nên ứng xử thế nào với dòng vốn FDI đến từ Trung Quốc, thưa ông?

Việt Nam phải hết sức bình tĩnh trong việc chọn lọc các nhà đầu tư hiện nay. Chúng ta đừng số lượng mà bao nhiêu cũng chấp nhận, mà phải có chiến lược về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với những tiêu chí rõ ràng. 

Theo tôi, Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI trong đó tập trung vào ngành công nghệ cao sử dụng trí tuệ nhân tạo, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng. Chính sách thu hút, sử dụng FDI phải bảo đảm được hiệu lực hiệu quả giám sát, nếu các doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết thì mới được hưởng các ưu đãi. Không phải hễ có tiền vào thì mình mở toang ra, họ có thể vào ào ạt thì ra cũng ào ạt.

Vấn đề cốt lõi là phải có điều kiện ràng buộc để doanh nghiệp FDI kết nối với các doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ. Có như vậy, giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi hàng hóa đóng góp cho thế giới mới nhiều hơn.

Theo ông, các doanh nghiệp trong nước cần làm gì để nâng cao lợi thế cạnh tranh trước làn sóng FDI ồ ạt?

Cần lưu ý là sự dịch chuyển của dòng vốn này sẽ tạo áp lực cạnh tranh giữa hàng hoá Việt Nam với hàng hoá Trung Quốc vốn dĩ rẻ hơn rất nhiều và chất lượng cũng tốt. Nếu không cẩn thận, hàng Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà. Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp cạnh tranh lớn khi hàng Trung Quốc ào ạt vào Việt Nam rồi cùng xuất khẩu sang các thị trường mà chúng ta đang làm ăn.

Cho nên, doanh nghiệp trong nước phải chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực quản lý cũng như nâng cao trình độ đội ngũ lao động. Cần chuyển hướng mạnh sang cải thiện khâu nghiên cứu phát triển (R&D), marketing và phân phối, phát triển dịch vụ để tạo thêm giá trị gia tăng. Đặc biệt các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp xuất khẩu phải quan tâm khâu kiểm tra chất lượng (quality control) để tăng tính cạnh tranh cho hàng "Made in Vietnam".

Ngoài ra, Chính phủ phải tiếp tục khuyến khích cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong khi doanh nghiệp nhà nước không vươn lên như kỳ vọng, doanh nghiệp tư nhân bị rào cản về chính sách, còn doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi và phát triển nhanh chóng thì sẽ rất bất lợi cho nền kinh tế.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top