Tôi là chị gái của tác giả bài: “Các chị chồng cứ liên tục mượn ôtô nhà tôi”. Tôi giật mình khi đọc bài và gọi cho em thì được xác nhận là đúng.
Hết giờ làm, tôi tranh thủ đọc các bình luận của quý độc giả. Để có sự đánh giá khách quan, tôi xin chia sẻ thế này.
Về em rể: Chú ấy là người hiền lành, tốt tính với cả nhà đẻ và nhà tôi. Em rể có công việc và thu nhập tương đối ổn, sống biết điều, thương vợ chiều con (vợ chồng em có 2 đứa con, một cháu học tiểu học, một cháu học mẫu giáo).
Về em gái: Em tốt tính, sống rất biết điều, vui vẻ, hòa đồng, xởi lởi, biết tạo điều kiện, hy sinh cho chồng con. Vợ chồng em tuy cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn nhưng thường xuyên tổ chức tụ tập ăn uống với sự có mặt của hai gia đình chị chồng và bố mẹ. Nhằm tạo thêm sự gắn kết tình thân (vì quý em rể, thương em gái) nên chị em tôi tự nguyện hỗ trợ vợ chồng em gái cả về việc làm và chút đỉnh tài chính, gọi là chia sẻ, động viên. Tuy nhiên, không vì thế mà em rể dựa dẫm, ỷ lại. Nhờ chăm chỉ làm việc, vun vén, vợ chồng em đã có một ngôi nhà nhỏ.
Về việc vợ chồng em xây nhà trên đất mượn của bố mẹ tôi: Thật ra không phải là vợ chồng em mượn đất, mà do em gái tôi có nhu cầu mở rộng mặt bằng kinh doanh nhỏ tại nhà, nhà của vợ chồng em lại nhỏ, bố mẹ tôi có mảnh đất trống rộng cạnh nhà. Bố mẹ tôi tuổi cao, sức yếu, trên dưới 80 tuổi nhưng vẫn tự tổ chức được cuộc sống, sinh hoạt của mình. Để tiện đôi đường, chị em tôi ý kiến với bố mẹ cho em gái xây nhà cấp 4 gần 100 m2 trên phần đất trống, chuyển về ở cạnh bố mẹ, một là phòng khi bố mẹ đêm hôm trái gió trở trời, hai là em gái mở rộng được mặt bằng kinh doanh, ba là lúc vợ chồng em bận công việc thì bố mẹ cắm cho nồi cơm, trông con hộ mà không phải mang lên gửi như trước. Hồi mắt bố tôi còn tốt, ông vẫn đón cháu từ trường về nhà mình, lo tắm rửa, ăn uống cho cháu để vợ chồng em yên tâm làm việc. Khoảng 3 năm trở lại đây, mắt bố kém, chúng tôi không cho ông đón cháu nữa vì sợ nguy hiểm. Được ông bà đồng ý, chị em tôi mới khuyên vợ chồng em như trên, kết quả như em ấy đã nói trong bài.
Về chiếc xe ôtô: Do vợ chồng tôi có nhu cầu thay xe, lại nghĩ bố mẹ đến lúc tuổi già, lỡ đêm hôm ốm đau, gọi taxi đi viện không phải khi nào cũng có ngay, vì thế chúng tôi quyết định biếu bố mẹ chiếc xe cũ ấy, xe tôi chạy chưa đến 12.000 km. Nói là biếu bố mẹ nhưng họ nào biết chạy xe, vả lại cũng ở cái tuổi gần đất xa trời nên nếu biết chạy cũng không ai cho chạy, cả ở góc độ pháp luật và con cái, thực chất là để em rể đi. Em rể cũng hay phải đi làm xa đến cả 100 km, gia đình em thường xuyên về quê, ngặt nỗi cả nhà em đi xe khách đều say, toàn phải chở nhau bằng xe máy, em gái tôi chưa biết lái xe. Khi nào bố mẹ cần đi viện hay về quê (cùng quê với em rể), nếu em rể sắp xếp được thì chở bố mẹ đi; tôi và mấy chị em còn lại ở cách xa bố mẹ hơn nghìn km. Vợ chồng tôi đặt vấn đề như vậy, bố mẹ từ chối, nói không có nhu cầu, cứ bán đi bù vào tiền mua xe mới. Chúng tôi nghĩ bố mẹ đã nói vậy thì có cho vợ chồng em gái cũng chẳng dám nhận, nên thôi thì để rẻ, coi như vừa bán vừa cho. Quyết định vậy, chồng tôi cũng thấy thoải mái, em rể cũng khỏi lăn tăn với suy nghĩ đó là của cho, lại vẫn giúp đỡ được bố mẹ; thế là ven cả ba đường.
Về việc hai chị chồng của em gái mượn xe: Em gái từng chia sẻ vài lần với tôi về việc vợ chồng cãi nhau chỉ vì chiếc xe. Em ức chế không phải vì chuyện mượn mà vì cách mượn và nhờ đưa đón của hai chị chồng, bởi em tôi rất dễ tính. Nghe em chia sẻ, tôi rất hiểu và đồng cảm với cảm xúc khó chịu đó, thấy thương em rể; huống hồ em gái tôi là vợ, sao mà không xót chồng. Em kể, có lần cả gia đình cùng mẹ con chị chồng về quê dịp cuối tuần, cách nhà em tầm 40 km. Đến gần trưa chủ nhật, công ty chồng em gọi ra làm đột xuất, chỗ làm cách quê em hơn 150 km, đi qua nhà em và nhà chị chồng. Em gái tôi hỏi chị chồng trưa có về cùng nhà em không, chị nói trưa nhà em cứ đi, chị ở lại chơi thêm chút nữa, chiều chồng em xong việc thì quay lại đón mẹ con chị ấy ra.
Mỗi lần thấy em gái ấm ức, tôi đều phân tích phải trái cho em nghe. Tôi nói với em dù là vừa bán vừa cho nhưng thực tế chiếc xe do vợ chồng em mua, đăng ký xe vẫn tên tôi, chưa sang tên đổi chủ. Vì vậy việc cho mượn hay đưa đón chị chồng là do vợ chồng em quyết định, không phải xin phép bố mẹ. Tôi cũng nói với bố mẹ như vậy, còn nói thêm rằng chuyện liên quan đến chị em bên chồng của em là vấn đề khá tế nhị, không khéo dễ sinh hiểu lầm, các em hãy tự giải quyết, bố mẹ không nên tỏ thái độ.
Khi chị chồng đến lấy xe, em tôi ở nhà mà không nói em một tiếng, không cần hỏi mượn, chỉ cần thông báo là chị mượn xe nhé. Như trên thì đúng là đã coi em tôi như vô hình, thiếu tôn trọng em. Nếu là em, tôi cũng cảm thấy khó chịu và ức chế. Người chị chồng còn lại, thường xuyên bảo em rể tôi chở về quê chơi bất kể giờ giấc hay đang làm ở đâu bởi con chị ấy còn nhỏ, có điều chị không có lời nhờ mà là yêu cầu. Chẳng hạn, gọi em rể mấy lần, em dở việc không dứt ra được thì chị chồng gọi cho em gái tôi, nói em gọi cho chồng, bảo chồng chở chị về.
Về phía em rể: Em gái tôi cũng phải hiểu và thông cảm cho thế khó của chồng. Nhà có xe mà chị thứ có con nhỏ nhờ chở không lẽ từ chối? Xe để đó mà lúc chị lớn mượn lẽ nào không đồng ý? Chị em giúp đỡ nhau là việc nên làm, với lại em rể không chỉ tốt với bên mình mà bên vợ cũng đối xử tốt. Có điều, lòng tốt cần thể hiện đúng lúc. Với những chuyến đi thông thường, giản đơn, không cấp bách, nếu rảnh rỗi thì chở đi, bận thì đề xuất chị chủ động tìm phương án khác, không nhất thiết phải giúp bằng mọi giá. Vì thế, em rể mới là người phải gỡ nút thắt trong chuyện này. Nếu em gái ra mặt có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa em và gia đình bên chồng.
Xin nói thêm, mỗi lần tôi tranh thủ về thăm bố mẹ và các cháu, nếu đáp chuyến bay vào khung giờ hành chính hoặc lúc không tiện đón, em rể thường đề xuất đón nhưng tôi luôn nói để bản thân chủ động bắt xe về. Cách ứng xử này không phải là tôi khách sáo với em rể, mà với chồng tôi cũng làm như vậy; tiện thì đưa đón, không tiện thì tự đi. Thỉnh thoảng tôi có nhu cầu dùng xe vì công việc, luôn hỏi em rể xem giờ đó, ngày đó xe em có rảnh không, nếu rảnh thì tôi sẽ mượn. Tôi biế kể cả em rể cũng có nhu cầu thì khi tôi hỏi vậy em cũng nói là xe rảnh để nhường cho tôi đi, em là nguời biết điều. Trước khi đưa trả xe về chuồng, nếu xe còn trên 1/2 bình xăng tôi sẽ không đổ thêm; nếu đổ thêm thì theo tôi là khiên cưỡng, khách sáo, nhưng tôi sẽ cho cháu tiền mua sách vở, quần áo, số tiền đó gấp mấy lần tiền nếu tôi đổ trọn một bình xăng. Tôi làm vậy vì nghĩ đó là việc nên làm.
Cuối cùng, thay mặt cho em gái, chân thành cảm ơn quý độc giả đã quan tâm và chia sẻ ý kiến, kể cả những ý kiến phê phán, điều đó sẽ giúp em nhận diện vấn đề một cách đa chiều hơn, ứng xử phù hợp hơn.
Quyên
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc
Post a Comment