Sau khi đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp phiên trù bị tại Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thủ đô Hà Nội.
Tại phiên họp, các đại biểu thông qua Quy chế làm việc của Đại hội; bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua Chương trình làm việc Đại hội, Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII, Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu. Sau phiên trù bị, các đại biểu sinh hoạt tại đoàn nghiên cứu các tài liệu Đại hội, gồm báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện Đại hội XIII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương khóa XII…
Sáng 26/1, Đại hội XIII sẽ họp phiên khai mạc tại hội trường. Đại hội sẽ làm việc đến ngày 2/2/2021.
NHIỀU ĐIỂM MỚI TRONG QUY CHẾ BẦU CỬ
Trước đó, thông tin về Quy chế làm việc và Quy chế bầu cử của Đại hội XIII, ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết dự thảo 2 Quy chế này đã được Trung ương chuẩn bị công phu, bài bản, kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Quy chế bầu cử và Quy chế làm việc của Đại hội XII, nghiên cứu công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tình hình, bối cảnh của Đại hội XIII và thực tế hiện nay. Quá trình xây dựng dự thảo 2 Quy chế Đại hội XIII đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo sát sao, kịp thời cho ý kiến những nội dung khó, phát sinh trong thực tế. Dự thảo 2 Quy chế Đại hội XIII đã được xin ý kiến nhiều lần của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn ở Trung ương và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Quy chế bầu cử Đại hội XIII có bố cục gồm 5 chương và 24 điều (như Quy chế Đại hội XII). Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh: được áp dụng đối với việc bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII có 3 điểm mới cơ bản. Thứ nhất, quy định cụ thể về trách nhiệm của người đề cử nhân sự trong việc đề cử nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Thứ hai, sử dụng phần mềm kiểm phiếu do Quân ủy Trung ương cung cấp. Thứ ba, việc ghi phiếu bầu cử được thực hiện tại Hội trường và phòng họp của Đoàn đại biểu (Đại hội XII, đại biểu có thể ghi phiếu bầu cử tại nơi ở).
Quy chế làm việc của Đại hội XIII có bố cục gồm 6 chương 16 điều (tăng 1 điều so với Quy chế làm việc Đại hội XII). Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh: Gồm các hoạt động, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa đương nhiệm, đại biểu dự Đại hội, các đoàn đại biểu và các cơ quan điều hành, giúp việc Đại hội trong thời gian diễn ra Đại hội XIII của Đảng.
Quy chế làm việc của Đại hội XIII có 4 điểm mới cơ bản. Thứ nhất, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm nêu gương của đại biểu dự Đại hội. Thứ hai, quy định rõ hơn trách nhiệm của đồng chí Trưởng đoàn đại biểu và nhiệm vụ của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tham gia sinh hoạt cùng đoàn đại biểu. Thứ ba, về nhiệm vụ của Ban thẩm tra tư cách đại biểu và trách nhiệm của Trưởng Ban thẩm tra tư cách đại biểu. Thứ tư, về thực hiện phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
KẾ THỪA VÀ BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM MỚI
Theo ông Nguyễn Đức Hà, chuyên gia Xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương), dự thảo Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII có kế thừa nội dung quy định từ Đại hội XII (năm 2016), bổ sung một số điểm mới cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó, quy định cụ thể về trách nhiệm của người đề cử nhân sự để vừa đảm bảo phát huy dân chủ, đồng thời ràng buộc trách nhiệm và đảm bảo chất lượng của việc đề cử.
"Đại hội toàn quốc của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại, do vậy dự thảo Quy chế đề cao tính gương mẫu, trách nhiệm của mỗi đại biểu, nhất là với công việc quan trọng: Bầu Ban chấp hành Trung ương khóa mới, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội", ông Hà nói.
Được biết, Quy chế bầu cử trong Đảng (ban hành kèm Quyết định 244 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI) đã được thông qua tại Đại hội XII (năm 2016) theo hướng tương tự. Trong đó, quy định Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương khóa XI không ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách nhân sự do Ban chấp hành cũ giới thiệu...
Đến tháng 3/2020, Ban Bí thư ban hành hướng dẫn số 03 về một số vấn đề cụ thể thực hiện quy chế bầu cử trong Đảng, trong đó đã đề cập đến trách nhiệm của người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội và kiểm phiếu bằng máy vi tính... Hướng dẫn này chỉ áp dụng đối với việc bầu cử từ chi bộ đến Ban chấp hành Trung ương; riêng việc bầu cử ở Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng do Đại hội quy định (theo Quy chế bầu cử tại Đại hội).
Post a Comment