Thị trường chứng khoán châu Á duy trì xu hướng tăng của năm 2020 trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, khi nhà đầu tư hy vọng vaccine ngừa Covid-19 sẽ đến lúc giúp kinh tế toàn cầu hồi phục vững vàng. Tuy nhiên, khả năng siết chặt các biện pháp chống dịch ở Tokyo khiến chứng khoán Nhật có một phiên giảm điểm.

Sau khởi đầu chậm chạp, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 1,3%, đạt mức cao nhất mọi thời đại - hãng tin Reuters cho hay. Năm ngoái, chỉ số này tăng 19%.

Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc tăng gần 2,5%, đạt mức cao chưa từng thấy, dẫn đầu là các nhóm cổ phiếu con chip và ô tô.

Chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu blue-chip tại thị trường Trung Quốc đại lục tăng 0,3%, chỉ số Shanghai Composite tăng gần 0,9%. Chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường Australia tăng gần 1,5%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,9%.

Thị trường châu Á bước sang năm 2021 với niềm tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ duy trì lãi suất thấp, trong khi vaccine Covid-19 sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu dần vững lên. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng lạc quan này đã phản ánh gần hết vào giá tài sản và virus corona vẫn đang lây lan với tốc độ nhanh chóng.

Dù tăng ở đầu phiên, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản giảm 0,7% sau khi Thủ tướng Yoshihide Suga xác nhận Chính phủ nước nay đang cân nhắc áp tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận.

Ngoài ra, giới đầu tư tại châu Á cũng đang thận trọng trước cuộc bầu cử phụ ở bang Georgia nhằm xác định Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ. Nếu phe Cộng hòa giành 1 hoặc giành cả 2 ghế thượng nghị sỹ trong lần bầu cử phụ này, họ sẽ giữ được thế đa số tại Thượng viện và có thể ngăn các mục tiêu lập pháp của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Trong trường hợp giành cả hai ghế trên, Đảng Dân chủ sẽ nắm cả Thượng viện và Hạ viện, đặt ra khả năng các kế hoạch chi tiêu của chính quyền ông Biden sẽ được thông qua nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, khi nắm lưỡng viện Quốc hội, Đảng Dân chủ cũng có thể thúc đẩy các kế hoạch tăng thuế.

Tuần này, một tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu sẽ là báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Nếu đây là một dữ liệu xấu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đối mặt sức ép phải nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Khi đó, đồng USD sẽ chịu áp lực giảm giá nặng nề hơn, giữa lúc đồng bạc xanh đã phải chịu sức ép từ thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh USD hiện đang ở mức 89,7 điểm, gần mức thấp nhất 3 năm là 89,5 điểm thiết lập gần đây.

Giá dầu thô cũng tăng mạnh vào buổi chiều nay theo giờ châu Á. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc tăng gần 2,5%, đạt hơn 53 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New Yor tăng 2,2%, đạt gần 49,6 USD/thùng.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top