Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, các nước tiếp nhận lao động đã ban hành các quy định hạn chế nhập cảnh đối với công dân nước ngoài.
Việc tạm dừng các chuyến bay thương mại thường kỳ giữa Việt Nam và một số quốc gia tiếp nhận lao động dẫn đến kết quả về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2020 không đạt được như kế hoạch.
CHỈ ĐẠT 60,5% SO VỚI KẾ HOẠCH BAN ĐẦU
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 là 78.641 lao động (28.786 lao động nữ) đạt 60,5% kế hoạch Chính phủ giao năm 2020; giảm so với kế hoạch năm 2020 đưa 130.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc các quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp, giãn cách xã hội kéo dài, tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp...
Tình trạng các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp của nước tiếp nhận lao động thu hẹp sản xuất, thậm chí là ngừng sản xuất hoặc phá sản đã gây ảnh hưởng tiêu cực và là nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm nhu cầu tiếp nhận lao động ngoài nước, trong đó có lao động Việt Nam. Chính vì vậy ngành lao động đã phải điều chỉnh mục tiêu đưa lao động đi nước ngoài xuống còn 70.000 lao động, bằng 51,55% so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 152.530 lao động, trong đó có 54.700 lao động nữ). Như vậy, lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 đã đạt 112,34% kế hoạch.
Ông Hà Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hai thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam như Hàn Quốc chưa tiếp nhận lao động Việt Nam nhập cảnh, thị trường Nhật chỉ tiếp nhận hạn chế. Các chỉ tiêu xuất cảnh của 3/5 chương trình mà Trung tâm Lao động ngoài nước đang triển khai trong năm 2020 thấp, không đạt kế hoạch đề ra.
Chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan) đạt 48,6%. Chương trình đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) chỉ đạt 7,45%; chương trình Đài Loan 5%. Kết quả đào tạo chương trình đưa người lao động Việt Nam sang học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng tại Đức năm qua chỉ đạt 56,4%, trong khi các năm trước đều đạt từ 70 - 80%.
Năm 2020, song song với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm, số lượng lao động Việt Nam ở nước ngoài hết hạn hợp đồng lao động nhưng chưa thể về nước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ở mức cao. Theo số liệu thống kê, hiện nay có khoảng hơn 26.000 lao động hết hạn hợp đồng chưa thể về nước. Để giải quyết vấn đề này, các nước tiếp nhận đã ban hành các chính sách tạm thời về việc tái sử dụng số lao động hết hạn hợp đồng lao động (gia hạn hợp đồng, chuyển đổi tư cách lao động,...). Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc giảm nhu cầu tiếp nhận lao động mới của các quốc gia tiếp nhận lao động.
NĂM 2021: NỖ LỰC HOÀN THÀNH MỤC TIÊU
Ngoài những yếu tố khách quan nêu trên, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan khác. Đó là một bộ phận người lao động Việt Nam thiếu ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động dẫn đến tình trạng gia tăng số lượng lao động Việt Nam tự ý bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp; Một số doanh nghiệp chưa phối hợp chặt chẽ, báo cáo các Ban Quản lý lao động Việt Nam và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài trong việc quản lý người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài; một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các công tác tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài...
Năm 2021 mục tiêu đặt ra là đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định. Đồng thời xây dựng, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật và đàm phán, ký kết thỏa thuận quốc tế. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện thể chế, xây dựng dự thảo trình Bộ Lao động, Thương binh và xã hội để trình Chính phủ nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được thông qua. Theo đó, xây dựng 1 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 2 thông tư hướng dẫn.
Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán với các đối tác thỏa thuận về hợp tác lao động. Đặc biệt, tiếp tục trao đổi, làm việc với phía Hàn Quốc về kế hoạch thi và chỉ tiêu tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2021 theo chương trình EPS.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước có lao động Việt Nam đang làm việc để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh và tổ chức đưa lao động hết hạn hợp đồng về nước theo chỉ đạo của Chính phủ. Kịp thời thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn trong điều kiện dịch bệnh chưa chấm dứt và các quốc gia không ngừng điều chỉnh các quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19. Phối hợp với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) để trao đổi và thống nhất với phía bạn chuẩn bị tổ chức Hội nghị lao động Việt Nam–Đài Loan lần thứ 6 tại Việt Nam khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Tiếp tục triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc (KOTRA) về phái cử và tiếp nhận lao động ngành hàn đóng tàu theo visa E-7. Đồng thời hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo thỏa thuận giữa các địa phương của hai nước. Triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về đưa lao động kỹ năng đặc định Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản và triển khai các bản ghi nhớ đã ký với các hiệp hội, nghiệp đoàn và các tỉnh của Nhật Bản, phối hợp với phía Nhật Bản tổ chức các kỳ thi tiếng Nhật và tay nghề cho lao động. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề phát sinh đối với chương trình phái cử thực tập sinh Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản. Phối hợp với Tổ chức JICA để xây dựng dự án kết nối người lao động Việt Nam và doanh nghiệp tuyển dụng.
Sau khi dịch bệnh được khống chế, nhu cầu sử dụng nhân lực nước ngoài của các nước phát triển trên thế giới rất lớn, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực thì chúng ta phải chuẩn bị tốt công tác tạo nguồn từ thời điểm này. "Trong thời gian chờ đợi, những lao động này có thể tiếp tục trau dồi thêm ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa của đất nước mà mình sẽ đến làm việc, ngoài ra họ sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước nếu có nhu cầu", ông Lê Tấn Dũng lưu ý.
Để khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được, ông Dũng nhấn mạnh, cần quan tâm theo dõi, dự báo nắm sát tình hình thị trường lao động để có điều chỉnh chính xác, hợp lý trong phương hướng, nhiệm vụ. Đặc biệt, cần xây dựng 2 kịch bản trong điều kiện dịch bệnh được khống chế và dịch bệnh chưa được khống chế để có những phương án và giải pháp đối với lao động đã trúng tuyển chưa thể xuất cảnh hay lao động hết hạn hợp đồng gặp khó khăn về nước...
Post a Comment