Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 được tổ chức ở Tp.HCM chiều ngày 7/01/2021, Phó Thống đốc Ngân hành Nhà nước Việt Nam, Đào Minh Tú cho biết, tín dụng năm 2020 tăng trưởng thấp hơn các năm trước do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động Covid- 19. Năm 2021, ngành ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% để  định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ.

MẶT BẰNG LÃI SUẤT CHO VAY ĐÃ GIẢM BÌNH QUÂN 1%

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 13,26% so với cuối năm 2019 và tăng 14,61% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến ngày 31/12/2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,65%). Trước đó, tính đến ngày 21/12/2020, tín dụng mới tăng 10,14% so với cuối năm 2019. Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối cùng của năm 2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm khá mạnh thêm 2%.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng năm 2020 mặc dù không đạt như kỳ vọng đầu năm 2020, nhưng kết quả đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bởi ở thời điểm 6 tháng đầu năm, thị trường quá khó khăn, tín dụng đã bị "tắc nghẽn" và quan ngại tăng trưởng tín dụng khó có thể đạt được 9-10% trong năm nay. Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định vừa không hạ chuẩn tín dụng vừa đẩy mạnh cho vay tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp, trong đó việc thu hồi nợ được các tổ chức tín dụng thực hiện đạt kết quả tích cực. Mặc dù đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng 2,07% nhưng vẫn kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Nếu tính tất cả các khoản nợ xấu bao gồm nợ bán cho VAMC chưa xử lý hết, các khoản nợ nguy cơ qua đánh giá phân tích có thể trở thành nợ xấu tỷ lệ nợ xấu khoảng 4%, vẫn được kiểm soát dưới 5%. Nợ xấu tăng cũng là tất yếu khách quan trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid- 19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm.

Về điều hành lãi suất, tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5% - 2%/năm lãi suất điều hành; giảm 0,6% - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12% - Ảnh 1.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm 50% so với 7 năm trước. Việt Nam hiện đang là nước có mặt bằng lãi suất thấp và giảm nhanh nhất so với các nước trong khu vực Asean. Về điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước điều hành, công bố tỷ giá trung tâm linh hoạt hàng ngày phù hợp diễn biến thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG KHOẢNG 12%

Định hướng năm 2021, ông Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, trong điều kiện, dịch Covid được khống chế trên toàn cầu, nền kinh tế cần nhiều vốn hơn cho phục hồi và tăng trưởng, NHNN sẽ mở rộng tín dụng cao hơn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều chỉnh tăng trưởng tín dụng khi cần thiết phải kiểm soát tín dụng để đảm bảo tỷ lệ lạm phát hài hoà chung.

Theo đó, Ngân hành Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (đặc biệt là lãi suất, tỷ giá) chủ động, linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt.

Chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng.

Đáng lưu ý, ngành ngân hàng sẽ xây dựng và trình Chính phủ Đề án tổng thể cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại của tổ chức mình để sớm triển khai trong thời gian tới. Ngoài ra, trong năm 2021, ngành ngân hàng sẽ coi trọng tập trung cho lĩnh vực công nghệ số, cung ứng dịch vụ thanh toán, thanh toán không dùng tiền mặt, coi đây là 1 trong những lĩnh vực trọng tâm. Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các Bộ, Ngành sớm tạo hành lang pháp lý, cơ sở pháp lý đầy đủ, đáp ứng kịp thời sự phát triển nhanh của một số lĩnh vực công nghệ, ngân hàng... Các TCTD cần quyết liệt, khẩn trương, thích ứng với sự phát triển công nghệ 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán.

Đối với các lĩnh vực khác, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, phục vụ nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Riêng lĩnh vực truyền thông chính sách, năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục truyền thông chính sách rộng rãi hơn, đặc biệt là sẽ đẩy mạnh, tăng cường các nội dung về tài chính toàn diện.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top