Ngày 5/1, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2020, triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với cả thế giới nói chung và nước ta nói riêng khi bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ..., tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã âm gần 4%. 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam chúng ta thực sự nổi lên là điểm sáng, là một trong số ít những nền kinh tế thế giới đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch COVID-19 đồng thời kinh tế vẫn tăng trưởng và đạt mức 2,91%, thuộc nhóm nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, lạm phát giữ vững dưới 4% và các chỉ tiêu tài chính về bội chi, nợ công giai đoạn 2016-2020 đều bảo đảm trong phạm vi Quốc hội giao.

Theo Phó thủ tướng, những kết quả này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khái quát tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với các địa phương vào ngày 28/12/2020 là: “Mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó thủ tướng cũng đề nghị ngành thuế cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan và kỹ hơn một số tồn tại, hạn chế của ngành để tập trung khắc phục, có giải pháp đột phá trong thời gian tới như chính sách về thuế dần được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển. 

Các chính sách phải được hoàn thiện theo hướng vừa bảo đảm nguồn thu, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, bao quát được nguồn thu, bảo đảm công bằng, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh như thế mới tạo ra nguồn thu bền vững.

Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế. Cá biệt, có một số trường hợp, việc xử lý kéo dài qua nhiều năm, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam và phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng xử lý. Kỷ luật kỷ cương ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý…

“Phải có nhìn nhận thấu đáo, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, áp dụng đúng quy định của pháp luật nhưng không cứng nhắc, thấu tình đạt lý, tăng cường chủ động, trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo trong thời gian tới, giảm thiểu khối lượng công việc phải đẩy lên Chính phủ. Không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", quyết tâm phòng chống “virus trì trệ””, Phó thủ tướng chỉ rõ.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top